Liệu cho thai nhi nghe nhạc cổ điển có giúp trẻ sinh ra thông minh hơn?
(Dân trí) - Chắc hẳn các ông bố bà mẹ đều đã từng nghe và quan tâm đến phương pháp: “cho thai nhi nghe nhạc cổ điển để kích thích trí thông minh của trẻ”. Tuy nhiên, liệu bạn có biết về tính xác thực, cũng như độ tin cậy trên phương diện khoa học, của mẹo chăm con hiện đang rất thịnh hành này?
Chắc hẳn, hầu hết các cặp vợ chồng đã, đang và sẽ trở thành bố mẹ đều đã từng nghe qua hoặc thậm chí là đã áp dụng mẹo “cho thai nhi nghe nhạc cổ điển ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ để giúp trẻ sinh ra thông minh hơn”. Trên thực tế, dù chỉ là một ý tưởng nhỏ nhưng nhờ chiến dịch truyền thông mạnh mẽ từ các tổ chức, đặc biệt là các hội nghệ thuật và cả các hãng sản xuất phân phối âm nhạc cổ điển, mẹo chăm con này đã sớm phủ sóng rộng khắp toàn cầu.
Dễ nhận thấy nhất là có rất nhiều bà bầu trên thế giới lẫn ở Việt Nam đã không tiếc tiền sắm hẳn một bộ tai nghe chuyên dụng, để áp vào bụng cho thai nhi nghe những bản nhạc giao hưởng, cổ điển được thu sẵn, vào mỗi lúc rảnh rỗi. Thậm chí, vào năm 1998, chính quyền bang Georgia (Hoa Kỳ) còn đề xuất xây dựng một quỹ phúc lợi, nhằm thực hiện chương trình gửi đĩa nhạc cổ điển miễn phí tới tất cả các bà mẹ đang mang thai, trong phạm vi lãnh thổ.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là “Dù phổ biến và được áp dụng nhiều như vậy, nhưng tính xác thực cũng như độ tin cậy về phương diện khoa học của phương pháp này đến đâu?”.
Có lẽ đa số chúng ta đều không biết rằng, phương pháp vốn dành cho thai nhi này lại xuất phát từ một nghiên cứu được thực hiện với đối tượng là sinh viên đại học, vào năm 1993.
Cụ thể, theo kết quả cuộc thực nghiệm, các sinh viên thường nghe bản Sonata nổi tiếng của Mozart là “Two Pianos in D Major (K 448)” có sự tiến bộ trong các bài kiểm tra về không gian. Ít ai ngờ, kết của nghiên cứu này sau đó lại được nhạc sĩ Don Campbell “mượn” để viết thành cuốn sách best seller xuất bản năm 1997 của ông “The Mozart Effect: Tapping the Power of Music to Heal the Body, Strengthen the Mind, and Unlock the Creative Spirit”.
Trong đó, nhà làm nhạc này đã khẳng định chắc nịch về tác dụng màu nhiệm của nhạc Mozart trong việc thúc đẩy tính sáng tạo, cải thiện bộ não cũng như giải phóng tâm hồn.
Sau khi được công bố, nhiều nhà khoa học, vốn ngờ vực vào kết quả của nghiên cứu về tác dụng của nhạc Mozart này, đã thực hiện các thí nghiệm tương tự để kiểm tra độ tin cậy của nó. Tuy nhiên, hầu hết kết quả thu được đều đi ngược lại với nghiên cứu năm 1993. Đặc biệt, vào năm 1999, một thí nghiệm y hệt như đã thực hiện năm 1993 đã chỉ ra rằng, sự tiến bộ trong môn học về không gian của các sinh viên sau khi nghe nhạc Mozar là không đáng kể.
Kế đó, năm 2007, Bộ giáo dục và nghiên cứu liên bang của Đức đã tiến hành thí nghiệm về mối quan hệ giữa nhạc Mozart và sự phát triển của trẻ em. Kết quả cuối cùng cũng cho thấy: không có lý do hay cơ sở nào để tin rằng, những bản nhạc của Mozart có thể tăng cường trí thông minh của con người.
Mặc dù thiếu cơ sở khoa học nhưng nhờ vào sự thổi phồng về hiệu quả cũng như truyền thông rầm rộ, không ít thương gia đã thu được những khoản lợi khổng lồ nhờ vào “mẹo chăm con” này. Đặc biệt, ở nước ngoài, nơi âm nhạc không hề miễn phí như Việt Nam, nhiều hãng sản xuất nhạc đã kiếm bộn tiền từ việc bán đĩa nhạc cổ điển. Bên cạnh đó, các thiết bị tai nghe cũng trở nên rất đắt hàng nhờ “ăn theo” sự nổi tiếng của phương pháp trên.
Nghe nhạc cổ điển sẽ không khiến con người thông minh hơn.
Thảo Vy
Theo BS