1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Lẽ ra loài khủng long đã không bị tuyệt chủng

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cho hay, chỉ có 13% cơ hội để thiên thạch Chicxulub Impactor gây ra được thảm họa như nó đã làm. Để tạo ra được sự hủy diệt như vậy, nó cần phải rơi xuống một địa điểm chính xác – và nó đã thành công, thiên thạch đó đã nổ tung và phá hủy phần lớn sự sống Trên Trái Đất.

Lẽ ra loài khủng long đã không bị tuyệt chủng - 1

Khi thiên thạch này rơi xuống Trái Đất của chúng ta, sự va chạm đã làm nóng các chất hữu cơ có trong đá trên mặt đất và khiến chúng bị bắn tung lên bầu khí quyển rồi, tạo thành bồ hóng ở trên đó. Lượng bồ hóng này đã biến đổi khí hậu toàn cầu và biến cảnh quan Trái Đất thành địa ngục, gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt của khủng long và các loài động vật khác.

Nhưng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu tảng đá vũ trụ đó rơi vào đúng những địa điểm giàu hy-đrô các-bon. Những khu vực như vậy chỉ bao phủ 13% bề mặt Trái Đất, đồng nghĩa với việc nếu nó rơi xuống những nơi khác - chiếm phần lớn diện tích của hành tinh này - thì loài khủng long sẽ an toàn hơn nhiều.

Để đưa ra được kết luận này, các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Tohoku đã sử dụng mô hình tính toán lượng bồ hóng có trong bầu khí quyển và tìm hiểu về sự thay đổi khí hậu mà nó gây ra. Điều đó đã giúp nhóm nghiên cứu hiểu rõ hơn lý do tại sao một số loài lại bị tuyệt chủng, trong khi một số loài khác vẫn sống sót.

Họ phát hiện rằng, nếu tảng đá đó rơi xuống một nơi ít hy-đrô các-bon thì sự tuyệt chủng sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Và vì vậy, có lẽ khủng long sẽ tiếp tục tồn tại rất lâu.

Các nhà nghiên cứu viết rằng: “lượng hy-đrô các-bon và lưu huỳnh trong đá rất khác nhau, phụ thuộc vào vị trí của đá, do đó mức độ lạnh đi và tuyệt chủng phụ thuộc vào địa điểm va chạm”. Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng “có lẽ mức giảm nhiệt độ cực lớn trên toàn cầu, sự tuyệt chủng hàng loạt và sự xuất hiện sau đó của động vật có vú có thể sẽ không diễn ra gay gắt như vậy – phụ thuộc vào ví trí thiên thạch đó rơi xuống trên bề mặt Trái Đất”.

“Sự kiện này chỉ có thể diễn ra với một mức độ cực kỳ nghiêm trọng nếu thiên thạch đó đâm vào những khu vực giàu hy-đrô các-bon – chỉ chiếm khoảng 13% diện tích bề mặt Trái Đất”.

Do đó, chính nơi mà thiên thạch đó lao xuống mới làm thay đổi lịch sử sự sống trên Trái Đất.

Anh Thư (Theo Independent)