Lăng mộ Tần Thủy Hoàng chứa bẫy chết người khiến các nhà khảo cổ lo sợ
(Dân trí) - Việc mở lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa là một công việc nguy hiểm. Các nhà khảo cổ lo ngại những cái bẫy chết người ẩn giấu ở đó như nỏ tẩm độc và thủy ngân.
Đây được cho là mối đe dọa khiến các nhà khoa học ngần ngại khi khám phá lăng mộ, trên thực tế họ đã phát hiện ra Đội quân đất nung với khoảng 8.000 binh sĩ.
Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (259-210 Trước Công Nguyên), một trong những nhân vật trung tâm lịch sử Trung Quốc. Ông là vị vua thứ 31 của nước Tần, đồng thời cũng là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa.
Lăng mộ ông gần Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), chưa bao giờ được khám phá đầy đủ vì nhiều lý do. Trong đó, đáng chú ý là từ một văn bản cổ, cảnh báo các nhà khảo cổ về những chiếc bẫy chết người được ẩn giấu trong lăng mộ.
Triều đại của ông ghi dấu ấn bằng những cuộc chinh phục và nhiều công trường xây dựng đồ sộ, trường tồn theo thời gian.
Nhà sử học Trung Quốc Tư Mã Thiên (145-86 trước Công nguyên), tác giả của Shiji, ở Việt Nam được gọi là Sử ký Tư Mã Thiên, một tác phẩm hoành tráng kể lại lịch sử Trung Quốc.
Văn bản cổ này là một trong những nguồn tư liệu quý giá về lịch sử Trung Quốc trước khi Tần Thủy Hoàng thống nhất. Nó nói về cuộc chinh phục của nhà Tần, đánh bại 6 Chiến quốc khác, các quốc gia tranh giành quyền lực và triều đại của Tần Thủy Hoàng.
Lăng mộ của vị vua nước Tần nổi tiếng thế giới. Khám phá ban đầu cho thấy, bên trong mộ có khoảng 8.000 binh sĩ thuộc Đội quân đất nung, được phát hiện vào năm 1974.
Ngôi mộ được xây dựng từ 700.000 công nhân và kéo dài trong suốt 38 năm, từ năm 246 đến năm 208 trước Công nguyên.
Những người lính đất nung này có nhiệm vụ bảo vệ lăng mộ của hoàng đế. Đây mới chỉ là một phần nhỏ lăng mộ đã được khám phá, trên thực tế nó chưa bao giờ được mở trong 2.200 năm bởi vì Tư Mã Thiên, đã nói trong tác phẩm sử ký của mình về ngôi mộ bị gài bẫy.
Ngôi mộ được bảo vệ bởi nhiều cạm bẫy cổ xưa
Sử ký viết: "Các nghệ nhân được lệnh làm nỏ và mũi tên để bắn người bước vào lăng mộ. Thủy ngân được sử dụng để mô phỏng "Trăm sông", Hoàng Hà Dương Tử và đại dương, nó sẵn sàng chảy tự động khi có sự xâm nhập".
Mặc dù các nhà khoa học có thể đánh giá câu chuyện này là sai sự thật, nhưng một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tạp chí Nature cho thấy nồng độ thủy ngân xung quanh lăng mộ rất cao.
Theo nhóm nghiên cứu, lăng mộ sẽ không bao giờ bị cướp phá và chứa 100 tấn thủy ngân. Họ lưu ý rằng, ở Trung Quốc cổ đại, dường như phong tục gửi thủy ngân vào lăng mộ trong giới quý tộc đã xuất hiện.
"Thủy ngân dễ bay hơi có thể thoát ra qua các vết nứt", các nhà khoa học giải thích về việc đo được nồng độ kim loại cao bất thường này.
Đặc biệt là vì niên đại của một di tích như vậy buộc các nhà khảo cổ phải hết sức thận trọng để không làm hỏng nó. Tư Mã Thiên nói về vô số lễ vật, chẳng hạn như những đồ dùng, đồ trang sức được làm bằng kim loại quý hiếm hiện diện trong lăng mộ.
Đội quân đất nung là một minh chứng điển hình trong việc bảo tồn, những binh sĩ ban đầu có nhiều màu sắc, nhưng thời gian và sự hư hại từ những cuộc khai quật sớm đã khiến những bức tượng còn nguyên vẹn cuối cùng bị mất màu.
Hoàng đế Tần Thủy Hoàng nổi tiếng với mong muốn trở thành bất tử, dẫn đến việc ông thử nghiệm các phương thuốc như thủy ngân thông qua chu sa, vị thuốc điều trị suy nhược thần kinh, hôn mê, mất ngủ.
Theo một số nguồn tin, vị hoàng đế này thường xuyên uống rượu trộn với mật ong và thủy ngân, ông chịu ảnh hưởng nặng nề từ những thần thoại và pháp sư. Sản phẩm này, gây tử vong cho cơ thể con người, có lẽ là nguyên nhân gây ra cái chết của ông ở tuổi 49.
Sau khi ông qua đời, Đế chế mà ông cai trị trong 11 năm nhanh chóng sụp đổ, nhưng huyền thoại về vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, có vai trò nguyên thủy trong lịch sử Trung Quốc, chứng kiến các đế quốc nối tiếp nhau cho đến khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911.
Đội quân đất nung và lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, chúng vẫn là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất trong lịch sử.