SpaceX tức giận khi vệ tinh Starlink bị tố cáo "có thể gây chết người"

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - SpaceX đã tỏ ra tức giận trước báo cáo từ chính quyền Mỹ về nguy cơ vệ tinh Starlink rơi xuống Trái Đất, có thể gây chết người và đe dọa ngành hàng không.

SpaceX tức giận khi vệ tinh Starlink bị tố cáo có thể gây chết người - 1

SpaceX đáp trả mạnh mẽ sau khi cơ quan hàng không Mỹ báo cáo về mối đe dọa từ các vệ tinh Starlink từ tập đoàn này (Ảnh minh họa: Numerama)

"Bầu trời có thể không rơi xuống đầu chúng ta, nhưng các vệ tinh thì có", đây là viễn cảnh được Cục Hàng không Dân dụng Hoa Kỳ (FAA) đưa ra trong báo cáo ngày 22/9 và công bố vào tháng 10 vừa qua. 

Trong báo cáo được FAA gửi tới các nghị sĩ Quốc hội, cho thấy những điều không có lợi cho SpaceX. 

Báo cáo tiết lộ, đến năm 2035, nếu Tập đoàn Công nghệ Vũ trụ và Khai phá Không gian (SpaceX) gia tăng đáng kể các vệ tinh thuộc hệ thống Starlink của mình, sau khi thiết bị này quay trở lại bầu khí quyển khi hết hạn sử dụng, có thể sót lại những mảnh vỡ rơi xuống Mặt Đất, dự kiến lên tới 28.000 mảnh mỗi năm.

Ước tính mức độ tổn thất, số người trên mặt đất có khả năng bị thương hoặc thiệt mạng do mảnh vỡ từ vệ tinh, cứ sau 2 năm sẽ có một người bị ảnh hưởng. 

Mối đe dọa này cũng sẽ đè nặng lên ngành hàng không nhưng ở mức độ rất thấp. Nghiên cứu cho thấy, xác suất một chiếc máy bay bị mảnh vỡ đủ lớn để khiến nó rơi xuống sẽ là 0,07% vào năm 2035. 

SpaceX đã làm việc trong nhiều năm để thiết lập hệ thống "chòm sao vệ tinh" khổng lồ trên quỹ đạo Trái Đất thấp, đặt tên là Starlink. 

Bắt đầu từ năm 2019 đến tháng 10 năm nay, SpaceX đưa hơn 5.200 vệ tinh Starlink. Trong tương lai, tập đoàn này dự kiến thiết lập mạng lưới 42.000 vệ tinh trên toàn cầu để truyền internet từ không gian xuống Trái Đất. 

Tuy nhiên, có một hạn chế chính là tuổi thọ của mỗi vệ tinh Starlink chỉ 5 năm. Do đó, sẽ có rất nhiều vệ tinh đã và sẽ ngừng hoạt động trong tương lai.

SpaceX tức giận khi vệ tinh Starlink bị tố cáo có thể gây chết người - 2

Các vệ tinh Starlink nối đuôi nhau di chuyển trong quỹ đạo thấp được quan sát từ Trái Đất (Ảnh: KWCH).

Chiến lược của SpaceX là đưa chúng vào khí quyển, bốc cháy hoàn toàn vì chúng đã ở rất gần Trái Đất. Đây là một lựa chọn ưu tiên hơn là đưa những thiết bị này vào quỹ đạo rác, một giải pháp được sử dụng cho các vệ tinh viễn thông.

SpaceX đáp trả

SpaceX bày tỏ mạnh mẽ sự không đồng tình sâu sắc về các phân tích của FAA.  Tập đoàn này cho biết thật sai lầm khi tin rằng hàng nghìn mảnh vỡ sẽ bắn phá Trái Đất và giết chết con người.

Trang web chính thức của Tập đoàn Mỹ cho biết: "Các vệ tinh Starlink được thiết kế để bị đốt cháy hoàn toàn khi chúng quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất, đồng nghĩa những thiết bị này không gây rủi ro cho con người hoặc tài sản trên mặt đất. Hơn 325 vệ tinh đã được phá hủy từ cách này".

FAA kết luận điều này dựa trên báo cáo từ một tổ chức phi lợi nhuận thuộc Tập đoàn Hàng không Vũ trụ, được liên bang tài trợ.

SpaceX cáo buộc tổ chức này sử dụng một nghiên cứu cũ của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để đánh giá các rủi ro liên quan đến vệ tinh Startlink trong quá trình trở lại bầu khí quyển. 

"Tập đoàn Hàng không Vũ trụ đã cung cấp cho FAA một phân tích xuyên tạc, trong đó có những khẳng định kỳ cục, phi lý và không chính xác về nguy cơ gây ra để loại bỏ Starlink khỏi người dân và ngành hàng không", SpaceX chỉ trích.

Đồng thời, tập đoàn này nêu bật sự thiếu liên lạc giữa hai bên dẫn đến những đánh giá sai.

SpaceX đổ lỗi cho FAA vì đã chấp nhận báo cáo mà không có bất kỳ sự xem xét nào, sau đó phân phối thông tin không chính xác này cho Quốc hội.

Tập đoàn Mỹ đã đáp trả, giáng đòn vào cơ quan này bằng tuyên bố, việc FAA chỉ đơn giản chấp nhận báo cáo Hàng không vũ trụ mà không đặt câu hỏi hoặc đánh giá chuyên sâu làm dấy lên mối lo ngại về năng lực kỹ thuật của FAA trong việc đánh giá và điều chỉnh một cách có trách nhiệm trong vấn đề này.

Cho đến nay, dường như không có báo cáo nào về các mảnh vỡ từ vệ tinh Starlink được tìm thấy trên mặt đất, chưa nói đến bất kỳ thương tích hoặc tử vong nào.