Lần đầu tiên khám phá ngoại hành tinh bằng hình ảnh trực tiếp
(Dân trí) - Cuộc săn tìm ngoại hành tinh không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Các nhà thiên văn học thường sử dụng một số kỹ thuật khác nhau để có được bằng chứng gián tiếp về sự tồn tại của chúng.
Khi một ứng cử viên được phát hiện, các nhà nghiên cứu sau đó sử dụng một phương pháp khác để xác nhận sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, mới đây lần đầu tiên, các nhà thiên văn học đã xác nhận một hành tinh ngoại bằng cách chụp ảnh trực tiếp.
Đó là một đốm sáng trong hình ảnh nhưng nó đòi hỏi những tiến bộ công nghệ đáng kinh ngạc để loại bỏ ánh sáng của ngôi sao nguồn và theo dõi hành tinh. Những quan sát như vậy có thể thực hiện được với thiết bị GRAVITY trên Kính viễn vọng Rất Lớn.
Được báo cáo trên tạp chí Astronomy & Astrophysics mới đây, hành tinh mới được xác nhận quay quanh ngôi sao Beta Pictoris và được đặt tên là Beta Pictoris c. Hệ thống này cách Trái đất 63 năm ánh sáng, được hình thành cách đây khoảng 18 triệu năm.
Tác giả chính của nghiên cứu Mathias Nowak từ Viện Thiên văn học cho biết: “Điều này có nghĩa là giờ đây chúng ta có thể thu được cả độ sáng và khối lượng của ngoại hành tinh này. Theo nguyên tắc chung, hành tinh càng lớn thì càng phát sáng”.
Nhưng một số phát hiện thách thức những gì chúng ta biết về sự hình thành hành tinh và tính chất của chúng. Beta Pictoris c dường như được hình thành từ sự bất ổn định trong đĩa bao quanh ngôi sao, nhưng nó quá gần ngôi sao nên không thể xảy ra trường hợp đó. Nhóm nghiên cứu cho rằng một cú sốc nhiệt độ mạnh trong đĩa đã dẫn đến sự hình thành của nó.
Hệ thống cũng đưa ra câu hỏi về mối quan hệ giữa khối lượng và độ sáng. Dựa trên dữ liệu trước đó, Beta Pictoris b có khối lượng gấp 13 lần sao Mộc, trong khi hành tinh mới được xác nhận là khoảng 8 lần. Tuy nhiên, Beta Pictoris b sáng gấp sáu lần, cho thấy nó phải lớn hơn rất nhiều so với hiện tại trừ khi có điều gì khác đang xảy ra.
Tác giả Paul Molliere từ Viện Thiên văn Max Planck cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng GRAVITY trước đây để thu được quang phổ của các ngoại hành tinh được chụp ảnh trực tiếp khác. Bản thân chúng đã chứa đựng những gợi ý về quá trình hình thành của chính chúng. Phép đo độ sáng này của b Pictoris c kết hợp với khối lượng của nó là một bước đặc biệt quan trọng để hạn chế các mô hình hình thành hành tinh của chúng ta”.
Phiên bản nâng cấp của công cụ GRAVITY có tên là GRAVITY + hiện đang được xây dựng.