Làm việc chăm chỉ không tốt cho môi trường?
(Dân trí) - Theo nghiên cứu của Ban Tài nguyên Quốc tế Liên Hợp Quốc, để bảo vệ môi trường trong tương lai, yêu cầu con người làm việc ít giờ hơn. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng dẫn đến tốc độ khai thác nguyên liệu thô trên khắp thế giới tăng nhanh hơn gấp ba lần trong 40 năm qua.
Vì vậy, việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên còn lại trên hành tinh là cần thiết nhằm ngăn chặn những hậu quả môi trường nghiêm trọng.
Nói cách khác, nền kinh tế toàn cầu cần nâng cao hiệu quả của vật liệu và năng lượng sử dụng trong nhà ở, lương thực, điện, nước và các sản phẩm tiêu dùng hiện đại khác khi dân số thế giới đang gia tăng với nguyện vọng nhằm đáp ứng những tiện nghi ở mức trung.
Để giải quyết vấn đề này, nghiên cứu đã đưa ra các đề xuất chính sách, kêu gọi cần một số thay đổi như giảm giờ làm, và giá nguyên liệu được tính gồm cả chi phí kinh tế và xã hội trong quá trình khai thác.
Nghiên cứu đưa ra đánh giá chặt chẽ về việc sử dụng nguyên liệu trên toàn cầu và cho mỗi quốc gia, bao gồm 40 năm khai thác, buôn bán và tiêu thụ sinh khối, nhiên liệu hóa thạch, quặng kim loại và các khoáng sản phi kim. Từ năm 1970 đến năm 2010, khai thác nguyên liệu trên toàn thế giới tăng từ 22 tỷ tấn mỗi năm lên khoảng 70 tỷ tấn, với các khoáng sản phi kim được sử dụng trong xây dựng đang tăng nhanh nhất.
Kể từ năm 2000, vấn đề tăng sử dụng nguyên liệu do nhu cầu của các nền kinh tế ở các nước châu Á tăng, trong khi hiệu quả sử dụng lại giảm. Một phần lý do đó là sự chuyển đổi ra khỏi nền kinh tế hiệu quả nguyên liệu trong sản xuất ở một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu.
Đồng thời, vẫn còn khoảng cách lớn về mức sống giữa các nước Bắc Mỹ, châu Âu và phần còn lại của thế giới, là những nước giàu nhất tiêu thụ nguyên liệu trung bình cao hơn gấp 10 lần so với các nước nghèo nhất. Mặc dù một số nước phát triển đã cam kết tách tăng trưởng kinh tế và phúc lợi ra khỏi tăng mức tiêu thụ, điều này đạt được bằng cách tăng tính chất quay vòng của các nền kinh tế thông qua tái chế, tái sản xuất và tái sử dụng.
Mặc dù vậy, trong quỹ đạo hiện nay, ước tính dân số vào năm 2050 là 9 tỷ người sẽ cần khoảng 180 tỷ tấn nguyên liệu mỗi năm, gấp ba lần mức tiêu thụ hiện nay. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả tiếp tục gây biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường nói chung, bao gồm cả mất đa dạng sinh học, xói mòn đất nhiều hơn và nhiều chất thải hơn, ô nhiễm không khí làm suy giảm sức khỏe con người và chất lượng cuộc sống.
Minh Trang (Theo Gizmag)