Làm thế nào chiêm ngưỡng mưa sao băng cực đại trong tuần này?

(Dân trí) - Trong tuần này vũ trụ sẽ có một màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục, mưa sao băng Thiên Cầm đạt điểm cực đại và bạn có thể làm một phần của hiện tượng kỳ thú này.

Làm thế nào chiêm ngưỡng mưa sao băng cực đại trong tuần này? - 1

Con người đã quan sát thấy sao băng Thiên Cầm từ hàng nghìn năm qua.

Mưa sao băng xảy ra khi các mảnh vụn của đuôi sao chổi bốc hơi trong khí quyển Trái Đất. Chúng ta có thể nhìn thấy nó như những vệt sáng của khí quyển bị đốt nóng. Mưa sao chổi là những đốm cháy sáng của các mảnh của sao chổi Thatcher C/1861 G1. Những mảnh vụn không gian này đã bay qua Trái Đất trong hơn 2.600 năm, chúng kéo theo sau sao chổi Thatcher khi sao chổi này quay quanh Mặt Trời.

Mưa sao băng Thiên Cầm thường xuất hiện trong thời gian từ 14/4 đến 25/4. Năm nay, thời điểm cực đại của nó sẽ từ 9 giờ tối ngày 22/4 đến 6 giờ sáng ngày 23/4 theo giờ Việt Nam. Nếu điều kiện thời tiết tốt, chúng ta có thể nhìn thấy 20 vệt sao băng mỗi giờ.

Bạn không cần phải có một chiếc kính viễn vọng mới ngắm nhìn được mưa sao băng Thiên Cầm, mà chỉ cần trời trong và thật tối, không bị ô nhiễm bởi ánh sáng đèn điện. Và sự kiên nhẫn là chìa khóa để có thể phát hiện ra những vệt sáng chuyển động của sao băng. Hãy nằm ngửa mặt lên trời, chân quay về hướng Đông và quan sát toàn bộ bầu trời. Sau khoảng 30 phút nhìn lên bầu trời đêm, mắt bạn sẽ quen và bạn bắt đầu thấy được các ngôi sao băng.

Năm nay, điều kiện quan sát cực kỳ thuận lợi. Cực đại sao băng Thiên Cầm trùng hợp với thời điểm trăng non (là khi mắt thường không nhìn thấy mặt trăng), vì thế ánh sáng của sao băng sẽ lóe lên nổi bật hơn trên bầu trời đen.

Mưa sao băng Thiên Cầm di chuyển với tốc độ khoảng 49 km/ giây và lần đầu tiên được người Trung Quốc phát hiện vào khoảng năm 687 trước Công nguyên, còn sao chổi sinh ra mưa sao băng này được xác định vào năm 1861. Mưa sao băng thường được đặt tên theo chòm sao nơi chúng xuất hiện, nơi đó được gọi là điểm phát. Điểm phát của sao băng Thiên Cầm là chòm sao Thiên Cầm và sao Chức Nữ, một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, cách Trái Đất khoảng 25 năm ánh sáng.

Mặc dù quỹ đạo của Trái Đất đưa chúng ta đi qua đuôi của sao chổi Thatcher mỗi năm một lần, nhưng sao chổi này lại mất khoảng 415 năm để bay hết một vòng quanh Mặt Trời, cho nên các hành tinh bên trong hệ mặt trời sẽ không nhìn thấy ngôi sao này từ nay cho đến tận năm 2276. 

Sau khi sao băng Thiên Cầm đi qua, cơn mưa sao băng tiếp theo chúng ta có thể nhìn thấy là mưa sao băng Anh Tiên vào tháng 8 năm nay.

Phạm Hường 

Theo Live Science 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm