Làm cốc nhựa từ tinh trùng cá hồi
Các nhà khoa học đã tạo ra một chiếc cốc nhựa từ tinh trùng cá hồi và dầu thực vật, thân thiện với môi trường, có thể phân hủy sinh học.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Thiên Tân, Trung Quốc đã phát triển một loại nhựa bền vững, có thể phân hủy sinh học có nguồn gốc từ tinh trùng cá hồi và dầu thực vật. Đây có thể là giải pháp khả thi nhất cho vấn đề ô nhiễm nhựa sắp xảy ra trên thế giới .
Chất này tạo ra bằng cách chiết xuất các sợi DNA từ tinh trùng của cá hồi và hòa tan vật chất di truyền trong nước bằng ionome, một loại polyme thường thấy trong chất kết dính, để tạo ra gel dẻo có thể đúc thành nhiều dạng khác nhau. Sau đó người ta đông khô vật liệu để tạo thành hình.
Thử nghiệm của nhóm nghiên cứu tạo ra chiếc cốc có hình dạng cũ kỹ, nhăn nheo nhưng không gây hại nhiều cho môi trường.
Sản phẩm trông giống như nhựa nhưng thải ra ít hơn 5% lượng khí thải carbon tạo ra trong quá trình sản xuất nhựa polystyrene điển hình.
Dayong Yang, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Nhựa DNA mà chúng tôi tạo ra là vật liệu bền vững với môi trường nhất trong số các loại nhựa được biết đến".
Nhóm của Dayong Yang nhận thấy phát minh này chứng minh sự vượt trội rõ ràng về khả năng phân hủy sinh học, sản xuất các sản phẩm phụ, phát thải carbon, tiêu thụ năng lượng và chất lượng chế biến.
Nghiên cứu của Dayong Yang đưa ra trong bối cảnh các nhà khoa học đang thi đua để tìm ra giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Chỉ riêng ở Mỹ, hơn 30 triệu tấn nhựa bị loại bỏ hàng năm, và chỉ 8% trong số đó được tái chế.
Phần lớn còn lại đưa vào các bãi chôn lấp, trong khi 1 đến 2 triệu tấn nhựa vứt bừa bãi trên đất liền và đại dương, sau đó có thể bị phân hủy thành vi nhựa và con người, động vật có thể tiêu thụ lúc nào không biết.