Kỹ thuật tạo ra chuột con từ… hai chuột cái đầu tiên trên thế giới

(Dân trí) - Theo thông tin mới nhất từ các nhà khoa học Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã tạo ra những con chuột con khoẻ mạnh từ… hai chuột mẹ bằng cách sử dụng công nghệ tế bào gốc và chỉnh sửa gene mà không cần những con chuột đực.

Các nhà khoa học Trung Quốc cũng cho biết, những con chuột được tạo ra vẫn có thể tiếp tục sinh sản như bình thường.

Công nghệ tế bào gốc đã được các nhà khoa học áp dụng và tế bào gốc được sử dụng để tiêm từ con chuột mẹ này vào trứng của con chuột cái còn lại. Kết quả nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Stem Cell.


Những con chuột con được tạo ra từ hai con chuột cái nhờ ứng dụng công nghệ tế bào gốc và chỉnh sửa gene vừa thu được kết quả thành công tại Trung Quốc.

Những con chuột con được tạo ra từ hai con chuột cái nhờ ứng dụng công nghệ tế bào gốc và chỉnh sửa gene vừa thu được kết quả thành công tại Trung Quốc.

Họ sử dụng loại tế bào gốc đơn bội đặc biệt chứa 23 chứ không phải là 46 nhiễm sắc thể mang DNA thông thường (giống tinh trùng của chuột đực).

Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã xóa một số gene từ những tế bào này bởi các gene này thường phụ thuộc vào việc được ghép đôi với gene từ con đực tương ứng để hoạt động tốt.

Sau đó, kết hợp hai quy trình này với nhau, nhóm nghiên cứu có thể tạo ra những chuột con khỏe mạnh từ hai chuột cái mà không cần chuột đực nữa. Kết quả là các cá thể vừa sinh ra từ hai con chuột mẹ hoàn toàn có thể phát triển và sinh sản như bình thường.

Trước đó, cũng với công nghệ này, các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo ra những con chuột con từ hai con chuột đực nhưng sau 48 giờ các cá thể này đã chết. Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được tại sao lại có sự khác biệt giữa hai con cái và hai con đực khi áp dụng cùng một kỹ thuật.

"Chúng tôi quan tâm đến câu hỏi tại sao động vật có vú chỉ có thể sinh sản qua tình dục. Trước đó, chúng tôi đã có một số phát hiện bằng cách kết hợp giữa vấn đề sinh sản và tái tạo, chính vì vậy, chúng tôi muốn áp dụng thử nghiệm bằng cách sử dụng tế bào gốc đơn bội với kỹ thuật xóa gen", Tiến sĩ Qi Zhou, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết.

Trước thành quả của các nhà khoa học Trung Quốc, nhiều nhà khoa học cho rằng, đây sẽ là một bước tiến mới trong ngành khoa học nghiên cứu về sinh sản và di truyền học.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này cũng vấp phải không ít sự phản đối của nhiều tổ chức bảo vệ động vật. Những tổ chức này cho rằng, kỹ thuật này liệu có mang lại những giá trị lợi ích nào không khi sau đó thực hiện trên cừu, chó hay khỉ? Hay chỉ mang lại những đau đớn cho các loài động vật. Không chỉ thế, những cá thể sinh ra thường dễ gặp phải tình trạng suy nhược, khiếm khuyết trên cơ thể hoặc bị biến dạng.

Với những ý kiến phản biện dữ dội, không ít các nhà khoa học lo ngại về việc ứng dụng trong việc điều trị vô sinh và áp dụng lên con người sẽ còn vấp phải không ít khó khăn.

Minh Long (Theo Foxnews)