Kỳ lạ những "bóng ma nhảy múa" trong vũ trụ
Những đám mây cách chúng ta khoảng một tỷ năm ánh sáng và chưa từng được nhìn thấy trước đây, giống như hai bóng ma đang nhảy múa.
Khám phá được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Thiên văn Úc (PASA), mô tả khảo sát thí điểm đầu tiên của dự án EMU (Bản đồ Tiến hóa của Vũ trụ) - là một trong số các vật thể và hiện tượng được phát hiện trong cuộc tìm kiếm sâu do Giáo sư Ray Norris thuộc Đại học Western Sydney và CSIROl đứng đầu.
"Chúng tôi đã quen với những điều bất ngờ khi quét bầu trời như một phần của Dự án EMU và thăm dò sâu hơn vào vũ trụ hơn bất kỳ kính viễn vọng nào trước đây. Khi bạn mạnh dạn đi đến những nơi chưa có kính thiên văn nào đi qua, bạn có thể sẽ có những khám phá mới", GS Ray Norris cho biết.
Khi nhóm nghiên cứu lần đầu tiên nhìn thấy "những bóng ma nhảy múa", họ không biết chúng là gì. Sau nhiều tuần làm việc, phát hiện ra rằng, họ đang nhìn thấy hai thiên hà "chủ", cách chúng ta khoảng một tỷ năm ánh sáng. Ở trung tâm của chúng là hai hố đen siêu lớn, phun ra các tia điện tử sau đó bị gió giữa các thiên hà uốn cong thành những hình thù kỳ dị.
Các dòng electron (được thể hiện dưới dạng mũi tên cong) được cho là đã hình thành nên "những bóng ma nhảy múa" trên.
"Bên cạnh thiên hà IC5063 đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng tôi tìm thấy một thiên hà khổng lồ khác, một trong những thiên hà lớn nhất từng được biết đến, mà sự tồn tại của nó thậm chí chưa từng bị nghi ngờ. Hố đen siêu lớn của nó đang tạo ra các tia điện tử dài gần 5 triệu năm ánh sáng. ASKAP là kính thiên văn duy nhất trên thế giới có thể nhìn thấy toàn bộ mức độ phát xạ mờ nhạt này, " Giáo sư Norris cho biết.
Kính thiên văn ASKAP được điều hành bởi CSIRO và là một phần của Cơ sở Quốc gia về Kính viễn vọng Úc. Nó sử dụng công nghệ mới để đạt được tốc độ khảo sát cực cao và trở thành một trong những công cụ tốt nhất trên thế giới để lập bản đồ bầu trời ở bước sóng vô tuyến.