Kinh hãi với màn nuốt trọn lợn rừng của rồng Komodo
(Dân trí) - Là loài bò sát sống cùng thời với khủng long, rồng Komodo trình diễn khả năng kết liễu con mồi khiến ai chứng kiến cũng phải "sởn gai ốc".
Chỉ cần một cú đớp
Một video được chia sẻ đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi con rồng Komodo trưởng thành bình thản nuốt trọn một con lợn rừng con trước sự kinh ngạc của người xem.
Trong đoạn video, có thể thấy rằng con lợn có kích thước không hề nhỏ. Tuy nhiên, thay vì cắn xé con mồi như đa số trường hợp, con rồng Komodo quyết định "nuốt chửng" kẻ địch giống cách một con trăn thường làm.
Rồng Komodo (tên khoa học: Varanus komodoensis) là một loài thằn lằn lớn thường được tìm thấy trên các đảo của Indonesia. Chúng là thành viên của Chi Kỳ đà thuộc họ Varanidae, và là loài thằn lằn lớn nhất còn sống sót, với chiều dài cơ thể có thể đạt tối đa 3m, và nặng khoảng 70kg.
Rồng Komodo có hình dạng rất giống với cá sấu, như mõm tròn, da có vảy, tứ chi khỏe và có móng vuốt sắc nhọn, đuôi dài. Chúng dùng tứ chi để bò lên mặt đất như các giống loài bò sát. Tuy nhiên chúng cũng có thể lặn dưới nước sâu 5m, và còn có khả năng leo trèo cây như loài thằn lằn.
Mặc dù có thân hình to lớn, nhưng chúng lại chạy khá nhanh. Khi di chuyển, chúng có thể đạt đến vận tốc khoảng 20km/h, và chỉ chạy theo đường thẳng. Rồng Komodo rất nhẫn nại trong việc săn mồi, chúng có thể nằm yên hàng giờ để chờ rình con mồi mà không cần phải quá vội vã.
Rồng Komodo là loài ăn thịt, với con mồi ưa thích là động vật không xương sống, chim, động vật ăn cỏ và cả động vật có vú. Các tài liệu khoa học cho rằng chúng có nọc độc ở dạng protein, tiết ra từ hai tuyến ở hàm dưới.
Những con Komodo trưởng thành đợi sau bụi rậm để phục kích con mồi của chúng, Đôi khi rồng Komodo không thể hạ gục con mồi, nhưng chỉ cần 1 cú cắn trúng đích, con mồi thường sẽ chết vì nhiễm trùng và mất máu. Lúc này, rồng Komodo chỉ cần lặng lẽ bám theo con mồi, và đợi tới khi chúng chết hoặc bất tỉnh, để bắt đầu "bữa tiệc".
Theo ghi nhận, rồng Komodo là loài phàm ăn, khi có thể ăn tới 80% trọng lượng cơ thể của nó trong một bữa ăn. Sau khi ăn, rồng Komodo thường phải lê mình đến vị trí có nắng để tăng tốc độ tiêu hóa. Nguyên nhân là bởi thức ăn trong dạ dày chúng có thể thối rữa và gây ngộ độc cho rồng nếu để quá lâu.
"Hậu duệ khủng long" thời hiện đại
Theo các nhà nghiên cứu, rồng Komodo là loài vật xuất hiện cùng thời với khủng long từ hàng triệu năm về trước. Chúng đã đồng hành cùng với những thổ dân trên một số vùng đất thuộc Indonesia từ rất lâu.
Rồng Komodo lần đầu tiên được ghi nhận bởi người châu Âu vào năm 1910, khi tin đồn về một con "cá sấu đất" truyền đến tai Trung úy van Steyn van Hensbroek của chính quyền thuộc địa Hà Lan.
Rồng Komodo là nhân tố thúc đẩy chuyến thám hiểm đảo Komodo của W. Douglas Burden vào năm 1926. Sau khi trở về với 12 mẫu vật được bảo quản và hai mẫu vật còn sống.
Bất chấp việc gắn liền nơi sinh sống với đảo Indonesia từ lâu, nhưng các hóa thạch của loài này cũng được tìm thấy ở Úc. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng tổ tiên của rồng Komodo có thể bắt nguồn từ Úc.
Từng chỗ có số lượng khá đông đảo lên tới hàng nghìn con, đến nay, rồng Komodo đang đứng trước nguy cơ sắp bị tuyệt chủng vì môi trường sống bị thu hẹp do sự lấn chiếm của con người, thay đổi của khí hậu, thiên tai với bản năng ăn thịt đồng loại, cũng như sự mất cân bằng giới tính.