1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Kim loại từ đầu mẩu thuốc lá có thể đe dọa đến môi trường biển

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp trí Tobacco Control, đầu mẩu thuốc lá vứt bừa bãi có thể là nguồn ô nhiễm kim loại nghiêm trọng, loại chất này ngấm vào môi trường biển và có khả năng thâm nhập vào chuỗi thức ăn.

Kim loại từ đầu mẩu thuốc lá có thể đe dọa đến môi trường biển - 1

Đầu mẩu thuốc lá phổ biến ở dạng rác thải, được tìm thấy trong môi trường biển, ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng hơn 5 nghìn tỷ đầu mẩu thuốc lá thải vào môi trường. Nghiên cứu trước đây cũng gợi ý rằng kim loại có thể rò rỉ ra từ những đầu mẫu thuốc lá này.

Để hiểu được các tác động tiềm ẩn, hàm lượng kim loại trong các đầu mẩu thuốc lá được quan trắc tại 9 địa điểm khác nhau dọc theo phía Bắc của Vịnh Ba Tư ở các vùng ven biển cảng Bushehr trong suốt mùa hè năm 2015. Các kim loại được đánh giá bao gồm cadmium (Cd), sắt (Fe), asen (As) niken (Ni), đồng (Cu), kẽm (Zn) và mangan (Mn) từ những tàn thuốc lá bỏ đi ở lớp trên cùng dày 10 cm trong trầm tích và lắng đọng ở bãi triều trên các bãi biển.

Hàm lượng kim loại được đo hai lần giữa khoảng thời gian 10 ngày để đánh giá tác động tiềm ẩn của các dòng hải lưu đến hàm lượng kim loại khác nhau.

Ví dụ, hàm lượng mỗi kim loại thay đổi đáng kể: đối với sắt từ 79.01 ug/g đến 244,97 ug/g và đối với mangan từ 38,29 đến 123,1ug/g. Hàm lượng asen dao động từ 0,12 ug/g - 0.48 ug/g. Tuy nhiên, có rất ít sự thay đổi về nồng độ giữa hai lần đánh giá, không phân biệt nơi lấy mẫu.

Theo các nhà nghiên cứu, hàm lượng kim loại có thể thay đổi theo quá trình canh tác và phát triển của lá cây thuốc lá và quá trình bón thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ dại. Hàm lượng kim loại có thể tăng thêm trong quá trình sản xuất thuốc lá và/hoặc trong quá trình bổ sung các tác nhân làm cho giấy gói sáng lên.

Các đầu mẩu thuốc lá, được làm bằng cellulose acetate, có thể hoạt động giống như các chất dẻo khác, làm đường ống vận chuyển kim loại trong môi trường biển.

Các nhà khoa học nhấn mạnh, phản ứng của động vật và thực vật đối với kim loại là rất khác nhau. Trong khi đó, nồng độ kim loại nặng và kim loại vi lượng trong nước và đất cao có thể ảnh hưởng xấu đến một số loài, tình trạng ô nhiễm có thể làm tăng khả năng chịu đựng kim loại của các sinh vật khác. Việc xem xét lượng đầu mẩu thuốc lá ước tính hàng năm (4,95 nghìn tỷ), phát thải các kim loại từ những đầu mẩu thuốc lá vào trong môi trường biển có thể làm tăng khả năng gây hại cấp tính đối với các loài ở địa phương và có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn.

Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ về cách mà kim loại tách ra khỏi đầu mẩu thuốc lá và thâm nhập vào môi trường biển. Trong khi chờ đợi, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng: "cần nâng cao nhận thức về độc tính của các đầu mẩu thuốc lá bỏ đi ở các vùng biển và bờ biển nhằm làm giảm nguy cơ gây độc hại của các đầu mẩu thuốc lá đối với môi trường ở những khu vực này”.

N.M.P-NASATI (Theo Sciencedaily)