Kiến tạo năng suất chất lượng từ hệ thống quản lý tích hợp

(Dân trí) - Theo bà Vũ Thị Hồng Dân - Trưởng phòng Tư vấn Cải tiến Năng suất thuộc Viện Năng suất Việt Nam, với xu thế kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, nâng cao năng suất là yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế và tăng trưởng. Không ít doanh nghiệp (DN) Việt Nam “lội ngược dòng” từ việc áp dụng hệ thống quản lý tích hợp với các công cụ năng suất chất lượng.

Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các DN Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất.

Điều này thể hiện qua việc ngày càng có nhiều DN chủ động tìm kiếm và thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Việc áp dụng thành công các công cụ cải tiến năng suất, các hệ thống quản lý tiên tiến sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận, người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt với chi phí hợp lý, người lao động gia tăng thu nhập, Chính phủ tăng nguồn thu từ thuế.

Mỗi công cụ cải tiến hay hệ thống quản lý tiến tiến đều đem đến cho doanh nghiệp những lợi ích riêng. Cũng tùy vào điều kiện mà một doanh nghiệp có thể áp dụng một hay nhiều, thậm chí áp dụng tích hợp cả các công cụ và hệ thống quản lý trong quá trình sản xuất”, bà Vũ Hồng Dân cho hay.

Kiến tạo năng suất chất lượng từ hệ thống quản lý tích hợp - 1
Bà Vũ Thị Hồng Dân, Chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam.

Cũng theo chuyên gia này, trên thực tế đã có không ít DN có được những thành công vượt bậc nhờ áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến tích hợp. Điển hình như Công ty TNHH sản xuất linh kiện nội thất ôtô THACO (THACO Interior) đã tích cực áp dụng tích hợp Hệ thống quản lý chất lượng, môi trường và công cụ cải tiến Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TS 16949/ISO 9001, ISO 14001 và TPM).

Đại diện lãnh đạo THACO Interior cho biết, sau 7 tháng triển khai, việc áp dụng mô hình tích hợp đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các hệ thống quản lý hiện có trên cơ sở tích hợp tối đa về mặt hệ thống tài liệu lẫn quá trình vận hành, đánh giá, cải tiến hệ thống.

Cụ thể, chỉ số OEE của máy làm thí điểm (máy ép phun nhựa 250T) đã tăng từ mức 43% lên 75%. Điều này có tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty thông qua giảm đồng thời các tổn thất dừng máy, tốc độ, chất lượng.

Một điển hình khách là Công ty TNHH MTV Lọc Hóa dầu Bình Sơn - Nhà máy lọc dầu Dung Quất (BSR) cũng đã xây dựng hệ thống quản lý tích hợp QHSE trong phạm vi toàn Công ty để quản lý đồng bộ các vấn đề nói trên theo các tiêu chuẩn quốc tếISO 9001 (hệ thống quản lý chất lượng), ISO 14001 (hệ thống quản lý môi trường) và OHSAS 18001 (hệ thống quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp); hệ thống Quản lý Năng lượng ISO 50001; hệ thống Quản lý Năng lực phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO 17025.

Cùng với đó, Công ty cũng đã triển khai áp dụng công cụ cải tiến Kaizen và 5S, các công cụ quản lý chuyên ngành như CMMS (quản lý vật tư và công tác bảo dưỡng sửa chữa).

Ông Phạm Công Nguyên, Phó Trưởng ban Quản lý Chất lượng BSR cho biết, áp dụng các công cụ quản lý giúp Nhà máy vận hành sản xuất ổn định, chất lượng thường xuyên được giữ vững trong các năm qua với thành quả 100% số lô sản phẩm xuất bán ra thị trường đều đạt chất lượng, không có hàng bị trả lại, 100% kết quả các cuộc thanh, kiểm tra nhà nước về chất lượng đều đạt yêu cầu.

Kết hợp với Kaizen, công tác tối ưu hóa nhà máy, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, phụ trợ, hóa phẩm xúc tác… từ năm 2010 đến nay, BSR đã tiết kiệm trên 5.000 tỷ đồng.

 

Phong Lâm

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm