Kiểm lâm tiêu diệt con cá sấu cắn chết người

T.Thủy

(Dân trí) - Lực lượng kiểm lâm tại Úc đã tiêu diệt con cá sấu nước mặn kích thước lớn sau khi con vật này cắn chết một bé gái 12 tuổi vào tuần trước.

Cuối tuần trước, một con cá sấu nước mặn dài 4,2m đã tấn công và cắn chết một bé gái 12 tuổi khi cô bé đang bơi trên suối cùng gia đình tại khu vực lãnh thổ Bắc Úc. Đây là vụ cá sấu tấn công gây chết người đầu tiên tại khu vực này kể từ năm 2018.

Lực lượng kiểm lâm đã truy lùng con cá sấu gây án. Ban đầu, họ dự định giăng bẫy để bắt sống con vật, nhưng sau những nỗ lực không thành công, họ buộc phải bắn hạ nó.

Cảnh sát đã giải phẫu xác con cá sấu và xác định nó chính là thủ phạm đã cắn chết bé gái.

Kiểm lâm tiêu diệt con cá sấu cắn chết người - 1

Khu vực bé gái 12 tuổi bơi cùng gia đình và bị cá sấu tấn công (Ảnh: AuBC).

Chuyên gia về cá sấu, Grahame Webb, nhận định con cá sấu này phải là con đực và ít nhất 30 năm tuổi. Ông cho biết cá sấu nước mặn phát triển rất chậm và có thể sống đến 70 năm ngoài tự nhiên.

Vụ tấn công đã gây ra cuộc tranh luận về việc có nên kiềm chế và tiêu diệt bớt số lượng cá sấu nước mặn tại lãnh thổ Bắc Úc hay không. Cá sấu nước mặn đang phát triển mạnh tại đây và gây nguy hiểm cho cư dân.

Dù được coi là linh thiêng với nhiều thổ dân Úc, cá sấu nước mặn vẫn gây ra nhiều vụ tấn công và ăn thịt người.

Cái chết của bé gái xảy ra chỉ vài tuần sau khi chính quyền lãnh thổ Bắc Úc phê duyệt kế hoạch 10 năm để kiềm chế số lượng cá sấu nước mặn, cho phép tăng tỷ lệ tiêu diệt từ 300 lên 1.200 con mỗi năm.

Chính quyền khu vực cho biết họ không thể để số lượng cá sấu đông hơn số lượng cư dân.

Bắc Úc có diện tích tương đương Pháp và Tây Ban Nha cộng lại, nhưng chỉ có 250.000 dân, trong khi số lượng cá sấu nước mặn lên đến khoảng 100.000 con.

Quần thể cá sấu tại Bắc Úc từng giảm xuống dưới 3.000 con do săn bắt tràn lan, nhưng đã tăng mạnh trở lại nhờ luật bảo vệ của chính quyền Liên bang.

Theo Grahame Webb, quần thể cá sấu nước mặn tại Bắc Úc đã ổn định và tự kiềm chế số lượng bằng cách ăn thịt lẫn nhau.

"Cá sấu nước mặn tại Bắc Úc đã tự kiểm soát số lượng bằng cách ăn thịt lẫn nhau. Chính chúng đang thực sự kiểm soát số lượng quần thể, chứ không phải do con người can thiệp", Webb cho biết.

Úc có hai loài cá sấu chính: cá sấu nước ngọt và cá sấu nước mặn. Cá sấu nước ngọt sống trong các hệ thống sông ngòi, kênh rạch, suối, đầm lầy nước ngọt ở miền Bắc và Tây Úc, có chiều dài tối đa 3m và ít gây nguy hiểm cho con người hơn.

Kiểm lâm tiêu diệt con cá sấu cắn chết người - 2

Cá sấu nước mặn là loài cá sấu lớn nhất thế giới và rất nguy hiểm đối với con người (Ảnh: Getty).

Cá sấu nước mặn là loài cá sấu lớn nhất thế giới, có thể dài đến 7m và nặng 1 tấn. Chúng phân bố tại Bắc Úc trong vùng nước mặn và lợ, có bản tính hung dữ và thường xuyên tấn công, ăn thịt người.

Cả hai loài cá sấu đều được bảo vệ theo luật pháp Úc. Cá sấu nước mặn được coi là mối đe dọa lớn đối với con người do kích thước và tính hung dữ của chúng. Chính phủ Úc đã có các chương trình quản lý để giảm thiểu xung đột giữa người và cá sấu nước mặn, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư.

Theo Idp/Sky