1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Kích thích từ xuyên sọ chữa trầm cảm nặng

(Dân trí) - Trong xã hội công nghiệp hiện đại, trầm cảm là căn bệnh khá phổ biến, đặc biệt trầm cảm “kháng thuốc” là vấn đề khó, phức tạp. Nhiều thử nghiệm cho thấy, “Kích thích từ xuyên sọ” có tác dụng điều trị khá tốt với những trường hợp trầm cảm kháng thuốc này.

Kích thích từ xuyên sọ chữa trầm cảm nặng - 1

Tổng quan về bệnh trầm cảm

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần kinh khá phổ biến. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có khoảng 3% đến 5% dân số bị rối loạn trầm cảm với nhiều mức độ khác nhau. Tần suất mắc trầm cảm trong suốt cuộc đời khá cao từ 15 đến 20%.

Hằng năm, trầm cảm cướp đi 850.000 mạng người, và là căn bệnh phổ biến thứ 2 toàn cầu, với 121 triệu người mắc, nhưng chỉ 25% người bệnh được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Thống kê y học cũng cho thấy, đến 80% dân số có bị mắc trầm cảm vào một lúc nào đó trong đời. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nữ nhiều hơn nam giới, trong đó, trầm cảm sau sinh là rất phổ biến nhất.

Tình trạng trầm cảm gây ra tâm trạng buồn bã, mất hứng thú kéo dài, ảnh hưởng đa dạng đến cảm nhận, suy nghĩ, hành xử… và có thể dẫn đến cảm giác bi quan, muốn tự tử.

Ba nhóm nguyên nhân phổ biến gây trầm cảm là: (1) Gen di truyền. Trầm cảm có tính chất di truyền, có gia đình nhiều có gia đình ít, (2) Tình trạng căng thẳng stress. Nhiều stress tâm sinh lý như người thân yêu mất, khó khăn trong mối quan hệ tình cảm, công tác, thất bại trong kinh doanh … thường là “ngòi nổ” khởi phát tình trạng trầm cảm, và (3) Thay đổi cấu trúc, thành phần một số chất sinh học trong hệ thần kinh. Các nhà khoa học phát hiện có sự khác biệt sinh hóa giữa não người trầm cảm với người bình thường.

Ba phương pháp điều trị trầm cảm kinh điển gồm: (1) Dùng thuốc. Phổ biến là các chất ức chế serotonin có chọn lọc (selective serotonin reuptake inhibitor, SSRI) như escitalopram, paroxetine, sertraline, fluoxetine, citalopram.. Các loại thuốc khác là venlafaxine , duloxeton và bupropion; (2) Trị liệu tâm lý giúp người bệnh thay đổi cách suy nghĩ, cư xử, thói quen góp phần giảm tình trạng trì trệ tâm lý;và (3) Sốc điện thường được áp dụng nếu chữa trị bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý thất bại.

Tổng quan về kích thích từ xuyên sọ

* Kích thích từ xuyên sọ là gì ?

Kích thích từ xuyên sọ (Transcranial Magnetic Stimulation, TMS) là dùng các xung từ tính sóng ngắn xuyên qua xương sọ kích thích các tế bào thần kinh để làm thay đổi chức năng điện thần kinh của vùng não tương ứng.

Từ năm 1985, nhiều nghiên cứu về TMS đã được tiến hành để hiểu và điều trị một số bệnh thần kinh như chứng đau nửa đầu, bệnh Parkinson, ù tai, và các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, ảo thính ở người tâm thần phân liệt. Gần đây nhất, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào việc sử dụng các xung TMS tái lặp (repetitive Transcranial Magnetic Stimulation, rTMS) để điều trị trầm cảm lớn, ảo thính trong tâm thần phân liệt, rối loạn nhận thức, ám ảnh cưỡng chế và stress sau chấn thương.

* Kích thích từ xuyên sọ hoạt động thế nào?

Các xung từ trường thay đổi nhanh sẽ làm thay đổi cách phóng điện của các tế bào thần kinh trong não. Sự thay đổi cách phóng điện thần kinh này làm thay đổi mô hình phóng điện của các tế bào thần kinh bệnh lý trong các bệnh trầm cảm, rối loạn chức năng não…

Kích thích từ xuyên sọ chữa trầm cảm nặng - 2

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, và có thể trở lại làm việc như bình thường ngay ngay sau đó, không cần dùng thuốc hoặc gây mê. Bệnh nhân sẽ ngồi thoải mái trên ghế tựa suốt cả phiên. Một điều trị khoảng từ năm phút đến 60 phút. Một khóa điều trị điển hình là khoảng 4-6 tuần.

* Dùng ​rTMS điều trị các bệnh gì ?

Hiện nay, rTMS đang được thực nghiệm điều trị cho các bệnh tâm thần như trầm cảm nặng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tâm thần phân liệt, rối loạn phổ tự kỷ, các stress sau chấn thương, rối loạn ăn uống và cai thuốc lá.

Chống chỉ định của rTMS là: các bệnh động kinh hoặc co giật khác, người có cấy ghép kim loại (metallic implants) trong hộp sọ, người nghiện ma túy, phụ nữ đang mang thai hoặc muốn có thai.

* Những tác dụng không mong muốn

Dù rTMS là phương pháp điều trị không xâm lấn: không cần phẫu thuật để đặt các điện cực vào não bộ, không gây các cơn co giật như khi dùng sốc điện (electroconvulsive therapy, ECT) nên không cần gây mê hoặc thuốc an thần. Tuy nhiên, xung từ xuyên não cũng có một số tác dụng phụ, không mong muốn như: nhức đầu; khó chịu hay ngứa vùng da đầu đặt điện cực, co thắt hoặc giật cơ mặt., đỏ da. Hiếm gặp hơn là: co giật, loạn thần ở người bị rối loạn lưỡng cực; mất thính lực.

Thay lời kết

Dù vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu khảo sát, hiện tại các nhà khoa học khẳng định rằng “Kích thích từ xuyên sọ” có tác dụng tốt để điều trị trầm cảm, căn bệnh hoặc được cải thiện hoặc hết hẳn hoàn toàn với liệu trình trung bình khoảng vài ba tuần lễ.

TMS ít tác dụng trên các triệu chứng tâm thần, trên những trầm cảm mạn tính kéo dài trong nhiều năm, khi sốc điện không hiệu quả.

Nếu trầm cảm cải thiện với rTMS, nên tiếp tục liệu trình điều trị cho đến khi lành hẳn. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu thêm về kỹ thuật, số lượng kích thích cần thiết và các vị trí tốt nhất trên não để đặt điện cực.

TS.BS Trần Bá Thoại

Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam