1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Kích thích điện giúp một người đàn ông liệt chân đi lại được

(Dân trí) - Với sự hỗ trợ từ kích thích điện và liệu pháp vật lí, một người đàn ông 29 tuổi được chẩn đoán liệt cả hai chân giờ có thể tự đi lại được.

Với nhiều bệnh nhân, liệt cả hai chân gây ra do thương tổn dây cột sống nghĩa là cả đời ngồi trên xe lăn. Nhưng theo một bài viết mới đây, một người đàn ông 29 tuổi bị liệt do một tai nạn xe trượt tuyết năm 2013 đã đi lại được, nhờ một thiết bị truyền kích thích điện vào cột sống anh ta.

Kích thích điện giúp một người đàn ông liệt chân đi lại được - 1

Kendall Lee, một nhà giải phẫu thần kinh tại Phòng Thí nghiệm Kỹ thuật Thần kinh của Bệnh viện Mayo, người nghiên cứu về phương pháp điều trị này, phát biểu trong một thông cáo báo chí: “Điều chúng tôi học được từ việc này là những mạng lưới thần kinh dưới một tổn thương dây cột sống vẫn có thể hoạt động sau khi bị liệt”.

Một nghiên cứu đăng hôm 24/9 trên tạp chí Nature Medicine mô tả phương pháp điều trị mới này. Theo phát biểu của Lee với các phóng viên trong một buổi họp báo, phương pháp này bắt đầu bằng liệu pháp vật lý 22 tuần cho bệnh nhân, để đảm bảo rằng anh ta sẽ không thể lấy lại khả năng tự đi lại.


Kích thích điện giúp người đàn ông bị liệt lấy lại khả năng tự đi lại - Ảnh từ Đại học Bách khoa Liên bang Lausanne.

Kích thích điện giúp người đàn ông bị liệt lấy lại khả năng tự đi lại - Ảnh từ Đại học Bách khoa Liên bang Lausanne.

Sau đó một nhóm các nhà giải phẫu thần kinh tại bệnh viện Mayo cấy một điện cực, đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) thông qua cho việc giảm đau, vào lưng người đàn ông. Nhờ sử dụng một bộ điều khiển không dây, họ có thể ra lệnh cho thiết bị cung cấp các loạt xung điện thẳng vào cột sống của bệnh nhân.

Trong 113 buổi phục hồi chức năng kéo dài trong 43 tuần, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm kết hợp kích thích điện và nhiều biến số khác, như giá đỡ an toàn và tốc độ máy chạy bộ. Dần dần, bệnh nhân đã có thể di chuyển chân – dù ban đầu anh phải nhìn chân mình trong gương để biết được chỗ đặt chân, vì chúng không có cảm giác gì, và các huấn luyện viên phải giúp anh đứng lên và di chuyển trọng lượng của anh.

Cuối cùng, người đàn ông đã có thể đi được 331 bước nhờ sử dụng một khung tập đi với bánh trước và thi thoảng có sự trợ giúp từ các huấn luyện viên. Đây là đoạn đường ngắn tương đương với 101,4m, hoặc hơn chiều dài của một sân bóng. Tắt thiết bị đi thì làm ngừng lại khả năng đi lại của người đàn ông, nghĩa là kích thích điện gần như chắc chắn là nguyên nhân giúp anh ta lấy lại được khả năng di chuyển.

Đây không phải là lần đầu tiên kích thích điện giúp một người đi lại, nhưng nghiên cứu mới này khẳng định rằng ví dụ đầu tiên đó không phải là nhờ may mắn.

Đó là tin tốt. Nhưng mặt hạn chế là các nhà nghiên cứu biết rất ít về lí do phương pháp điều trị của họ có hiệu quả - chỉ là thấy kết quả như vậy. Bước tiếp theo, Lee cho biết trong buổi họp báo, sẽ là cần nghiên cứu thêm để trả lời câu hỏi đó, và liệu kích thích điện có thể làm điều tương tự cho các bệnh nhân khác hay không.

Các bác sĩ đã bắt đầu cố gắng trả lời câu hỏi đó – họ đã cấy thiết bị vào ít nhất một bệnh nhân khác, dù Lee nói rằng còn quá sớm để thảo luận những kết quả này. Nhưng, nếu chúng có triển vọng như kết quả hôm 24/9, chúng ta có thể tiến tới một tương lai mà việc liệt cả hai chân không còn là một chẩn đoán cho cả đời của bệnh nhân nữa.

Lộc Ninh (Theo Futurism)