1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Khủng long Archaeopteryx bay giống chim trĩ

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu mới, loài khủng long có cánh nổi tiếng Archaeopteryx có thể bay được.

Khủng long Archaeopteryx bay giống chim trĩ - 1

Một đội nghiên cứu quốc tế đã dùng tia X mạnh để quan sát bên trong xương loài này, cho thấy chúng gần như rỗng, như những loài chim hiện đại.

Theo các nhà khoa học, sinh vật này bay như một con chim trĩ, bay bật lên những quãng ngắn.

Archaeopteryx rất thu hút sự chú ý kể từ những hóa thạch đầu tiên được tìm thấy vào những năm 1860.

Nửa chim nửa khủng long, loài động vật này có kích cỡ tương tự một con chim ác là, với bộ cánh phủ lông, răng sắc và chiếc đuôi dài xương xẩu.

Sau khi quét hóa thạch của Archaeopteryx trong máy gia tốc hạt được gọi là synchrotron, các nhà nghiên cứu phát hiện ra xương cánh của chúng giống với các loài chim hiện đại đập cánh để bay những quãng ngắn hoặc bay bật lên.

Nhà nghiên cứu chính Dennis Voeten đến từ cơ sở phóng xạ Synchrotron châu Âu (ESRF) ở Grenoble, Pháp, cho biết: “Archaeopteryx có vẻ đã được tối ưu hóa cho việc bay chủ động ngẫu nhiên”.

Ông phát biểu với BBC News: “Chúng tôi cho rằng có điều gì đó giống chim trĩ và chim cút. Nếu chúng phải bay để lẩn tránh dã thú, chúng sẽ phải bay lên rất nhanh, thường theo sau là một chuyến bay ngang rất ngắn và sau đó chúng sẽ chạy trốn”.


Mẫu vật Munich của hóa thạch Archaeopteryx.

Mẫu vật Munich của hóa thạch Archaeopteryx.

Câu hỏi liệu Archaeopteryx sinh sống trên mặt đất, bay liệng hay có thể bay đã trở thành chủ đề được tranh luận kể từ thời Darwin.

Steve Brusatte, đến từ Đại học Edinburgh, Anh, không có liên quan gì đến nghiên cứu này, nói rằng đây là bằng chứng tốt nhất chứng minh loài động vật này có khả năng bay.

Anh cho biết: “Tôi nghĩ giờ trường hợp này đã khép lại. Archaeopteryx ít nhất có khả năng bay bật lên những quãng ngắn. Thật ngạc nhiên là đưa một bộ hóa thạch vào một cái mày synchrotron có thể tiết lộ nhiều thứ đến thế về việc con thú thật đã hoạt động như thế nào khi còn sống”.

Archaeopteryx sinh sống khoảng 150 triệu năm trước ở nơi bây giờ là miền nam nước Đức.Dù từng bị cho là loài chim đầu tiên, hiện giờ các chuyên gia xem loài động vật này là một con khủng long biết bay.

Archaeopteryx đã bay lượn khoảng 150 triệu năm trước, cho thấy rằng việc bay lượn của khủng long còn tiến hóa trước đó.

Các nhà khoa học nghĩ rằng có lẽ có rất nhiều phương thức thí nghiệm việc bay lượn của khủng long trước khi xuất hiện phương án cách bay của những loài chim hiện đại.

Tiến sĩ Martin Röper, người phụ trách Archaeopteryx và nhà đồng nghiên cứu báo cáo cho biết: “Chúng tôi biết rằng khu vực quanh Solnhofen ở đông nam Đức từng là một quần đảo nhiệt đới, và một môi trường như vậy có vẻ rất thích hợp với việc di chuyển liên tục trên đảo hoặc việc bay đi trốn”.

Lộc Xuân (Theo BBC News)