1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Khu rừng tự sát rợn tóc gáy ở Nhật Bản

Nằm bên sườn núi Fuji, chỉ mất hai giờ lái xe từ thủ đô Tokyo (Nhật Bản), khu rừng Aokigahara mang đến cho người ta cảm giác lạnh lẽo rợn tóc gáy nếu biết có hàng trăm người đến đây tự tử.


Du khách đọc tấm biển hiệu khuyên nhủ những người có ý định tự tử níu giữ lại cuộc sống. Ảnh: AP

Du khách đọc tấm biển hiệu khuyên nhủ những người có ý định tự tử níu giữ lại cuộc sống. Ảnh: AP

Ngay cổng vào khu rừng cắm sẵn một biển hiệu nhắc nhở du khách “Cuộc sống là món quà quý giá” từ cha mẹ. Hãy yên lặng nghĩ một lần về cha mẹ, anh chị em hay con mình. Đừng chịu đựng một mình mà đầu tiên hãy chia sẻ.

Tiếng xấu về khu rừng Aokigahara đã tồn tại hàng chục năm nay. Trong một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng năm 1960 của tác giả Seicho Matsumoto, nữ chính của câu chuyện đã bước vào khu rừng và tự kết liễu đời. Gần đây nhất, trong một bộ phim kinh dị của Mỹ năm 2016, “The Forest”, một người phụ nữ vào rừng tìm cô chị sinh đôi bỗng dưng mất tích bí ẩn trong khu rừng này.

Theo báo cáo của chính quyền địa phương, chỉ từ năm 2013 tới 2015, đã có ít nhất 100 người không sống ở khu vực xung quanh Aokigahara tìm về đây để kết thúc cuộc sống.


Đồ vật vô chủ được tìm thấy tại khu rừng. Ảnh: CNN.

Đồ vật vô chủ được tìm thấy tại khu rừng. Ảnh: CNN.

Các chuyên gia trong những năm vừa qua cũng đều tìm cách lý giải vì sao khu rừng này lại được nhiều người chọn làm nơi an yên giấc ngủ ngàn thu. Ba chục năm về trước, một nhà tâm lý Nhật Bản đã từng điều trị cho một số người sống sót sau các vụ tự tử bất thành ở Aokigahara cho biết lí do chính là “họ tin rằng họ có thể chết hoàn toàn mà không bị ai nhận thấy”.

Nhà tâm lý, bác sĩ Yoshitomo Takahashi tin rằng các bộ phim và truyền thông cũng đóng vai trò khá lớn, khiến nhiều người tìm đến rừng Aokigahara tự tử. “Một số người đi từ xa tới khu rừng chỉ vì họ muốn ‘chia sẻ cùng chỗ’ với những người khác và muốn thuộc về một nhóm”. Xu hướng “tự tử tập thể” cũng được nhắc đến trong một bài nghiên cứu khoa học của nhà nhân chủng học Chikako Ozawa-de Silva thuộc Đại học Emory.

Kênh truyền hình CNN đã có một bài phỏng vấn độc quyền với một người không muốn tiết lộ hoàn toàn danh tính bản thân – từng muốn kết thúc cuộc đời mình ở rừng Aokigahara.

Bị một nhà máy sản xuất sắt đuổi việc, tài chính bấp bênh, ông Taro đã mua vé một chiều tới khu rừng. “Động lực sống của tôi đã không còn. Tôi không muốn sống trên cõi đời này. Đó là lí do vì sao tôi tới đây”.

Đi vào rừng sâu, ông cắt mạch máu ở cổ tay, nhưng vết thương lại không gây chết người. Ông bị hôn mê, suýt chết vì mất nước, đói và lạnh. Sau đó, một người đi leo núi tìm thấy và cứu sống ông.

Để ngăn chặn các cuộc tự tử xảy ra trong khu rừng, chính quyền tỉnh Yamanashi phải lắp đặt các camera an ninh tại lối ra vào của khu rừng, hi vọng theo dõi được những ai ra vào, đào tạo các tình nguyện viện sẵn sàng khuyên nhủ những du khách có biểu hiện muốn tự tử, tăng cường cảnh sát tuần tra lối vào khu rừng cũng như không mong muốn phim ảnh, truyền hình nhắc đến khu rừng như một nơi chấm dứt sự sống.

Theo danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2015, Nhật Bản đứng thứ 26 trên toàn cầu về quốc gia có tỉ lệ tự tử cao. Trên dân số 100.000 người, tỉ lệ tự tử của Nhật Bản là 15,4%, cao hơn gần như các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Italy. Phần lớn các trường hợp tự tử ở Nhật Bản đều bắt nguồn từ nguyên do trầm cảm, sức ép công việc, làm quá giờ, khủng hoảng tài chính và thất nghiệp.

Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức