Không ai biết tàu đổ bộ mặt trăng của Ấn Độ còn “sống” hay không
(Dân trí) - Suốt quá trình phóng và bay vào vũ trụ một cách trôi chảy của tàu đổ bộ mặt trăng Chandrayan-2, không khí phấn chấn lan tỏa khắp Cơ quan hàng không Ấn Độ vào tuần qua. Sau nhiều năm lên kế hoạch và thực hiện chuyến bay này, Ấn Độ đã có mặt trong danh sách ngắn các nước đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng. Tuy nhiên tất cả đã thay đổi chỉ trong khoảnh khắc trước khi con tàu hạ cánh xuống mặt trăng.
Tàu Chandrayan-2 đột ngột im lặng chỉ vài phút trước khi nó chạm tới bề mặt mặt trăng theo kế hoạch. Vệ tinh quay quanh mặt trăng của Ấn Độ đã định vị vụ va chạm của con tàu, câu hỏi hiện nay là “nó còn sống hay không?”
Một số báo cáo gần đây cho rằng tàu vũ trụ này vẫn còn liền nguyên một khối bất chấp vụ va chạm đã xảy ra, nó đang ở gần địa điểm hạ cánh dự kiến nhưng bị lật nghiêng chứ không đứng thẳng. Tuy vậy những các báo cáo này lại không dẫn được nguồn thông tin rõ ràng.
Ngày 9/9 vừa qua, Tổ chức Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) có vai trò gần giống như NASA của Ấn Độ, cho biết họ vẫn đang nỗ lực kết nối thông tin với con tàu sau khi xác định được tàu đã ở trên mặt trăng. Kể từ hôm đó, tổ chức này chưa đưa ra thông tin gì mới hơn. Đây có lẽ không phải là một dấu hiệu đáng mừng.
Cũng không có gì quá ngạc nhiên về tình trạng đổ bộ của các con tàu vũ trụ, vì trường hợp tàu Chandrayan-2 cũng có phần giống như tàu Beresheet của Israel được phóng đi hồi tháng 4/2019. Tàu Beresheet cũng gặp phải sự cố ngừng hoạt động ngay trước khi hạ cánh và thay vì chạm đất nhẹ nhàng thì nó đâm sầm xuống bề mặt mặt trăng. Toàn bộ con tàu đã biến mất.
Trong trường hợp tàu Chandrayan-2, khó có khả năng nó vẫn còn hoạt động. Thậm chí nếu ISRO đã xác định vị trí con tàu rơi xuống thì vẫn không đủ để xác định mức độ hỏng hóc của con tàu, và việc nó vẫn còn bặt tin cho thấy rất có thể nó hỏng hoàn toàn.
Phạm Hường
Theo BGR