Khởi nghiệp nên bắt đầu từ Tâm hay Trí?
(Dân trí) - Đây là một vấn đề được thảo luận sôi nổi tại networking với chủ đề “Khởi nghiệp nên bắt đầu từ Tâm hay Trí?” vừa được tổ chức ở Tokyo – Nhật bản.
Nằm trong chuỗi sự kiện thuộc cuộc thi Viet Startup Contest in Japan (VSC2019), sự kiện Networking lần này với câu hỏi trung tâm “Khởi nghiệp nên bắt đầu từ Tâm hay Trí?” được đồng tổ chức bởi Vietnamese Professionals in Japan (VPJ), Vietnamese Academic Network in Japan (VANJ) và Vingroup Japan. Sự kiện đã thu hút hơn 100 khán giả ở nhiều lứa tuổi đến từ nhiều lĩnh vực tới tham dự để cùng lắng nghe những chia sẻ đa chiều từ 5 khách mời của chương trình về chủ đề Khởi nghiệp.
TS Nguyễn Thành Nam chia sẻ tại sự kiện VSC 2019.
Là một trong những “công thần” sáng lập Tập đoàn FPT, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam – phó Chủ tịch HĐQT trường Đại học FPT, với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực startup đã chia sẻ: “Để khởi nghiệp, trước hết bạn phải có động lực cá nhân và khát vọng làm lớn. Việc được tiếp thu nền giáo dục chất lượng tại Nhật là thế mạnh sẽ giúp bạn tìm ra phương án giải quyết vấn đề một cách bài bản để từ đó có thể tổ chức quy mô công ty, tạo ra những giá trị lợi nhuận và xã hội. Bên cạnh cũng cần đặc biệt coi trọng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên chính giá trị của bản thân”.
Bà Trần Thị Thu Hà – Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) và là khách mời nữ duy nhất, đã đem đến một cái nhìn từ tổng quát tới chi tiết về lợi thế của môi trường khởi nghiệp ở Việt Nam hiện tại cũng như sự đa dạng về chính sách hỗ trợ từ Chính phủ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bà Trần Thị Thu Hà – Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao đổi tại sự kiện.
Để trả lời cho câu hỏi, Tâm hay Trí quan trọng hơn đối với một startup, bà Hà nhấn mạnh: “Không có giới hạn rõ ràng về người có thể trở thành một doanh nhân tuyệt vời. Điều làm cho một doanh nhân thành công trước tiên là do tâm thái của họ. Biết nắm bắt cơ hội, tạo động lực, kiên trì, lạc quan, sáng tạo, làm việc chăm chỉ và các thuộc tính khác,... đều xuất phát từ tư duy của họ. Lý do ai đó thất bại là vì họ không có tư duy đúng đắn, tôi nghĩ, nó đơn giản như vậy. Còn với các nhà khoa học, các bạn muốn giải quyết những nỗi đau của xã hội với các giải pháp sáng tạo - đó là trí, nhưng điều đó cũng xuất phát từ cái tâm muốn cải biến xã hội của bạn”.
Xuyên suốt chương trình còn có sự góp mặt của hai khách mời hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Diễn giả Nguyễn Tuấn Đức – CEO công ty Aimesoft đã mang đến lược đồ vô cùng thú vị về sự liên kết giữa phát triển cá nhân và phát triển doanh nghiệp. Theo anh, để tạo ra giá trị cho một công ty thì trước hết bạn phải thành công trong việc nhận thức và thử thách chính bản thân, đó là làm điều mình thích cho tới khi ra thành quả, từ đó làm điều công ty cần và đích đến cuối cùng là phục vụ điều người dùng mong muốn.
Bên cạnh đó, diễn giả Đào Ngọc Thành – CEO công ty BAP IT Co., mang tới động lực giúp các bạn trẻ đối mặt với những khó khăn và thử thách khi bước ra khỏi vùng an toàn, đặc biệt là khi công ty khởi nghiệp đang trong giai đoạn phát triển về chất và định hình giá trị cốt lõi. Đối với anh, con người chính là tài sản đáng giá nhất và cũng là vai trò của khách hàng và sự đóng góp cho cộng đồng để hướng tới phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xoay quanh giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Đến sự kiện với tư cách là một người “ngoại đạo” trong lĩnh vực công nghệ thông tin, diễn giả Nguyễn Kim Quyền – CEO CTCP VietnamFood kiêm Giám đốc dự án CTCP MAGOS đã có bài thuyết trình vô cùng độc đáo về ý tưởng áp dụng phương pháp Lego để giải quyết các bài toán giúp các doanh nghiệp mới dễ dàng suy nghĩ và ứng dụng đổi mới. Anh cũng chia sẻ một cách hóm hỉnh rằng muốn phát triển nhanh thì doanh nghiệp hãy dùng những nhân viên lớn tuổi nhiều kinh nghiệm.
Khép lại sự kiện là buổi tiệc giao lưu giữa các khán giả và diễn giả. Thông qua buổi tiệc này, người tham gia đã có những giây phút vô cùng quý báu để trực tiếp trao đổi với các chuyên gia, cũng như bồi đắp thêm nhiều ý tưởng cho khát vọng khởi nghiệp trong tương lai.
Việt Nam cần tăng cường chính sách thúc đẩy con người sáng tạo
Theo Bà Trần Thị Thu Hà -Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia thì Việt Nam đang tập trung nhiều cho việc xây dựng phần cứng, chưa tính đến việc xây dựng phần mềm. Phần mềm ở đây là năng lực triển khai. Nó là phần con người, là các chính sách thúc đẩy con người sáng tạo.
Như vậy câu chuyện khởi nghiệp sáng tạo (KNST) chính là phát huy tiềm năng con người của đất nước. Để nguồn lao động này ngày càng giỏi, Việt Nam cần đầu tư, hỗ trợ về KH&CN để nâng cao năng suất lao động trong các công ty, doanh nghiệp, góp phần tăng mạnh kinh tế. Và để phát huy nguồn lực con người thì phải có KNST.
Sau khi tham dự VSC 2019 bà Hà cho rằng, cần kết nối mạnh hơn nữa các nguồn lực quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho KNST. Để đưa hệ sinh thái KNST Việt Nam trở thành một phần quan trọng của hệ sinh thái KNST ASEAN nói chung, cần tích cực kết nối giữa các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư KNST của Việt Nam với các mạng lưới tương tự trong khu vực và trên thế giới; Tổ chức các chương trình trao đổi doanh nghiệp KNST (startup exchange) để doanh nghiệp KNST Việt Nam có thể giao lưu, học hỏi, thu hút đầu tư, tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời hỗ trợ các startup quốc tế đến tìm hiểu về thị trường Việt Nam, hỗ trợ họ thành lập doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, dịch vụ ĐMST tại Việt Nam. Thiết lập đầu mối đại diện KNST Việt Nam tại các hệ sinh thái KNST mạnh trên thế giới.
Tổ chức các sự kiện KNST quy mô quốc tế, thu hút startup, nhà đầu tư, chính trị gia về KNST ở các nước tới Việt Nam; kết nối các cổng thông tin về KNST của Việt Nam với các cổng thông tin tương tự trên thế giới; Tích cực đưa nội dung về hệ sinh thái KNST Việt Nam trên các kênh truyền thông nổi bật về KNST trên thế giới, tranh thủ được sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt tại nước ngoài.
Bà Hà cũng nhấn mạnh: Việc tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành với các đại diện các nhà đầu tư trong và ngoài nước có quan tâm đến đầu tư KNST là điều cần thiết. Nên xem xét thiết lập các hoạt động chung để kết nối Kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài với KNST trong nước. Đồng thời, cần tăng cường liên kết quốc tế giữa doanh nghiệp KNST với các viện, trường để định hướng tốt hơn về yêu cầu nghiên cứu và đưa kết quả nghiên cứu vào thương mại hóa thông qua các mô hình kinh doanh mới của doanh nghiệp KNST.
Phương Dung
Từ Tokyo – Nhật Bản