Khởi động nhóm Vật lý hạt Neutrino: Đưa dòng chảy vũ trụ học vào Việt Nam

(Dân trí) - Ngày 17/7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) - TP Quy Nhơn, Bình Định đã diễn ra Lễ ký kết và khởi động Nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino Việt Nam (Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE), trực thuộc Trung tâm ICISE).

Việc ký kết Biên bản ghi nhớ và thành lập nhóm Vật lý Neutrino giữa nhóm giáo sư cao cấp đến từ các trường Đại học và Viện nghiên cứu lớn của Nhật Bản và Trung tâm tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tạo ra bước ngoặt mới cho ngành vật lý hạt Neutrino, khơi thông dòng chảy vũ trụ học vào Việt Nam.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác cuộc gặp gỡ giữa nhóm giáo sư cấp cao Nhật Bản cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và Trung tâm IFIRSE
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác cuộc gặp gỡ giữa nhóm giáo sư cấp cao Nhật Bản cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định và Trung tâm IFIRSE

GS. Tsuyoshi Nakaya (Trường ĐH Kyoto) và phát ngôn viên của thí nghiệm neutrino được đặt ở Nhật Bản có tên là T2K (thí nghiệm nghiên cứu neutrino ở Nhật Bản) làm trưởng nhóm, cho biết ở Nhật Bản hiện tại có rất nhiều công trình nghiên cứu, thí nghiệm về vấn đề này như thí nghiệm T2K, có khoảng 500 cộng tác viên, trong đó có 100 nhà khoa học người Nhật và đông đảo đội ngũ các nhà khoa học đến từ 10 quốc gia trên thế giới.

“Chúng tôi hy vọng, trong tương lai, nhóm Neutrino Việt Nam sẽ tham gia các thí nghiệm Neutrino ở Nhật. Chúng tôi đang chờ đợi để cùng làm việc với các nhà khoa học Việt Nam. Việc tạo lập nhóm Neutrino Việt nam ở ICISE sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các thế hệ các nhà khoa học Việt Nam kế cận”- GS. Tsuyoshi Nakaya chia sẻ.

Theo GS. Tsuyoshi Nakaya, Neutrino là một hạt có khối lượng vô cùng nhỏ bé và không điện tích. Neutrino có khối lượng lần đầu tiên được phát hiện bởi một thí nghiệm ở Nhật Bản có tên là Super-Kamiokande vào năm 1998. Cùng với phát hiện này, Giáo Sư Takaaki Kajita đã đạt giải Nobel Vật Lý năm 2015. Hiện tại, ông GS. Tsuyoshi Nakaya đang cùng làm việc với GS. Kajita trong các nghiên cứu về Neutrino.

Đại diện của 2 bên gắn biển và chụp ảnh lưu niệm tại văn phòng làm việc của Nhóm Vật lý Neutrino tại Trung tâm ICISE
Đại diện của 2 bên gắn biển và chụp ảnh lưu niệm tại văn phòng làm việc của Nhóm Vật lý Neutrino tại Trung tâm ICISE

“Nhóm Neutrino Việt Nam ở ICISE sẽ tiến hành nghiên cứu neutrino trong các chương trình hợp tác quốc tế. Nhóm sẽ sớm gia nhập thí nghiệm Super-Kamiokande, T2K và cả dự án Hyper-Kamiokande. Các hoạt động của nhóm Neutrino Việt Nam sẽ tốt cho các nhà khoa học Việt Nam cũng như các nhà khoa học Nhật Bản”- GS. Tsuyoshi Nakaya nhấn mạnh.

GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam cho biết: “Sự ra đời của Nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino Việt Nam là một việc rất khó khăn, nhưng lại có nền tảng vững chắc từ sự cộng tác nhiệt tình của các nhà khoa học Nhật Bản, của các nhà khoa học trẻ Việt Nam và sự hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Bình Định, cùng các sở, ngành và Trường ĐH Quy Nhơn. Giải thưởng Nobel Vật lý năm 2015 và giải thưởng đột phá năm 2016 dành cho những đóng góp liên quan đến Neutrino phần nào chứng tỏ vai trò hết sức quan trọng và tầm ảnh hưởng lớn của Neutrino”.

Được biết, trong khoảng thời gian 3 - 5 năm, Nhóm Vật lý Neutrino sẽ tập trung chủ yếu vào phân tích số liệu thực nghiệm và tham gia các chương trình mô phỏng thí nghiệm. Tương lai, nhóm sẽ mở rộng số lượng thành viên và xây dựng phòng thí nghiệm cùng với các máy đo được đặt ở Trung tâm ICISE. Mục tiêu, trong vòng 5-10 năm, Việt Nam sẽ có một nhóm hoạt động độc lập, bao gồm các nhà vật lý trong nước và các nhà Vật lý nước ngoài, tham gia vào các thí nghiệm lớn trên thế giới.

Các nhà khoa học nước ngoài đang giới thiệu những công trình nghiên cứu về Neutrino của mình tại hội thảo thành lập nhóm Vật lý Neutrino
Các nhà khoa học nước ngoài đang giới thiệu những công trình nghiên cứu về Neutrino của mình tại hội thảo thành lập nhóm Vật lý Neutrino

Hiện tại, lớp học mùa hè Neutrino đang diễn ra tại Trung tâm ICISE, do các thành viên của nhóm Vật lý Neutrino tại IFIRSE tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội gặp gỡ Việt Nam, nhằm mục đích giới thiệu Neutrino đến sinh viên và các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Lớp học sẽ tìm ra được 2 sinh viên Việt Nam tham gia nhóm Vật lý Neutrino từ mùa thu năm nay. Các bạn sinh viên của nhóm sẽ trực tiếp làm việc với các thí nghiệm quốc tế được đặt ở Nhật Bản dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Nhật Bản.

Doãn Công