1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Indonesia

Khoảnh khắc núi lửa phun trào tạo "chiếc ô" sấm sét đường kính 200km

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - 12 ngày sau đợt bùng phát được đánh giá mạnh nhất trong nửa thế kỷ của núi lửa Ruang, Indonesia. Ngày 30/4, ngọn núi này lại tiếp tục phun trào dữ dội, giải phóng tro bụi trên khu vực rộng lớn.

Khoảnh khắc núi lửa ở Indonesia phun trào dữ dội (Nguồn: X).

Địa chấn dưới núi lửa Ruang đã gia tăng vào ngày 29/4 và trong đêm, ngọn núi này đã phun trào cực kỳ dữ dội.

Đám tro bụi hùng vĩ cao tới 19km, đan xen bởi vô số tia sét, nhanh chóng lan vào bầu khí quyển và tạo thành một chiếc ô có đường kính đạt tới 200km.

Những hình ảnh khác nhau được chụp từ hòn đảo Tahulandang lân cận cho thấy, vô số đám mây lửa xuất hiện phía trên ngọn núi.

Trong lần phun trào này, tro bụi nóng đã mở rộng về phía tây và tấn công ngôi làng trên đảo khiến nhiều ngôi nhà bị đốt cháy.

Đặc biệt là ở làng Tagulandang nằm trên hòn đảo lân cận, cách miệng núi lửa hơn 4km. Một người dân đã bị thương ở đầu do một vật nhọn có đường kính khoảng 8cm đâm xuyên qua mái nhà.

Phần lớn dung nham bị phân mảnh mịn, tạo thành tro nhẹ hơn nhiều, do đó chúng di chuyển đi xa hơn. Nhiều trong số chúng đã rơi xuống thị trấn Manado, cách núi lửa 100km về phía nam.

Khoảnh khắc núi lửa phun trào tạo chiếc ô sấm sét đường kính 200km - 1
Tro bụi bốc lên từ đợt phun trào ngày 30/4 của núi lửa Ruang (Ảnh: MAGMA).

Điều này đã buộc các nhà chức trách Manado ra lệnh đóng cửa sân bay Sam Ratulangi vào ngày 30/4, do tro bụi núi lửa phát tán, gây ảnh hưởng tới hoạt động an toàn bay. Bộ Giao thông vận tải Indonesia cho biết, sân bay sẽ đóng cửa cho đến trưa 1/5.

Trước đó vào ngày 17/4, núi lửa Ruang phun trào vào khoảng 19h19 giờ địa phương, do các trận động đất xảy ra trên đảo. Ảnh hưởng của vụ phun trào khiến ít nhất 800 người ở tỉnh Bắc Sulawesi, Indonesia phải di tản để đảm bảo an toàn.

Ngay sau trận phun trào, cư dân của ngôi làng duy nhất trên hòn đảo - nằm giữa Philippines và đảo Sulawesi của Indonesia - đã quay trở lại khu vực sinh sống của mình để giải cứu một số động vật bị bỏ lại trong quá trình sơ tán.

Các nhà nghiên cứu núi lửa đánh giá, đối với người Indonesia, đợt bùng phát núi lửa Ruang ngày 17/4, được coi là một trong những vụ phun trào mạnh nhất trong nửa thế kỷ ở Indonesia.

Indonesia nằm trên "Vành lửa Thái Bình Dương" - khu vực có hoạt động địa chấn cao, nơi nhiều mảng kiến tạo gặp nhau. Chính vì thế "xứ sở vạn đảo" liên tục hứng chịu các trận động đất dẫn đến núi lửa phun trào.