1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Khoảnh khắc hà mã đực hành hạ và tìm cách giết chết con non

T.Thủy

(Dân trí) - Hà mã non đã phải hứng chịu màn hành hạ kinh hoàng của con hà mã đực, khi con vật to lớn tìm cách giết chết sinh vật non nớt vô tội này.

Đoạn clip cho thấy sự tàn bạo của thiên nhiên được các du khách ghi lại tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pilanesberg (Nam Phi), cho thấy khoảnh khắc con hà mã non bị một con đực to lớn hành hạ hết sức tàn bạo.

Con hà mã đực to lớn đã ngoạm chặt hà mã non, dìm con vật xuống nước, sau đó quăng quật con non vào lưng của một con hà mã trưởng thành khác.

Hà mã non đã cố gắng chống chọi lại màn tra tấn của con đực to lớn để giữ lấy mạng sống. Mỗi khi thoát ra được, hà mã non lại bơi về phía mẹ của mình để mong được mẹ bảo vệ.

Hà mã non phải hứng chịu màn tra tấn tàn bạo của con đực to lớn và hung hăng (Ảnh: Kruger).

Hà mã non phải hứng chịu màn tra tấn tàn bạo của con đực to lớn và hung hăng (Ảnh: Kruger).

Hà mã mẹ đã tìm mọi cách để bảo vệ cho con non, nhưng chênh lệch về sức mạnh, thể hình và sự hung hăng của con đực đã khiến hà mà mẹ không thể bảo vệ được đứa con của mình.

Màn tra tấn con non của hà mã đực diễn ra trước sự chứng kiến của các thành viên khác trong đàn hà mã, nhưng không hề có cá thể hà mã nào can thiệp để bảo vệ con non. Hà mã mẹ đã cố gắng bảo vệ con non của mình một cách vô vọng.

Các nhân chứng cho biết, hà mã non đã thoát khỏi con đực hung hăng và bò lên bờ, nhưng phải hứng chịu vết thương hở nghiêm trọng ở bụng, cùng nhiều vết thương khác trên khắp cơ thể. Chân sau của con non xấu số này cũng bị thương nghiêm trọng, khiến nó không thể di chuyển bình thường.

Hà mã mẹ đã đi theo con của mình để kiểm tra vết thương. Con non sau đó tìm một bụi cây để nằm nghỉ ngơi, còn hà mã mẹ đứng cạnh bên thể hiện sự bất lực vì không thể làm gì khác. Với tình trạng gặp phải, hà mã non khó có thể kéo dài cuộc sống được lâu.

Khoảnh khắc hà mã đực hành hạ và tìm cách giết chết con non (Video: Kruger).

Thông thường, hà mã mẹ sau khi sinh sẽ giữ con của mình tranh xa đàn chính, đề phòng trường hợp hà mã non bị những con đực to lớn tấn công và giết chết.

Hà mã đực thường có thói quen cắn chết những con hà mã non không phải là con của chúng hoặc những con non trong đàn khác. Ngoài ra, hà mã đực cũng thường cắn chết con non để buộc hà mã mẹ phải tiếp tục giao phối với chúng. Sau khi con non chết, hà mã mẹ không cần phải cho con bú nữa và có thể tiếp tục giao phối.

Thậm chí, đôi khi hà mã đực cắn chết những con non để thể hiện quyền lực đối với những cá thể khác trong đàn.

Những con non không có khả năng tự vệ, khi bị hà mã đực nhắm đến sẽ khó có thể giữ được mạng sống, ngoại trừ một số trường hợp hà mã mẹ có thể xua đuổi con đực để bảo vệ cho con của chúng.

Hà mã là một trong những loài động vật có vú sống trên cạn lớn nhất thế giới. Những cá thể hà mã trưởng thành có thể nặng từ 1,5 đến 3 tấn, cơ thể dài từ 3,5 đến 4m và cao từ 1,5 đến 1,7m. Hà mã cái trưởng thành thường nhẹ hơn con đực từ 200 đến 300kg.

Dù ăn thực vật, hà mã vẫn là một loài động vật rất hung hăng và nguy hiểm cho con người, nhất là với những ai vô tình đi nhầm vào lãnh thổ của chúng. Dù có thân hình nặng nề, hà mã vẫn có thể chạy được với tốc độ 30km/h, đủ sức để đuổi kịp những ai xâm phạm vào lãnh thổ của chúng.

Trung bình mỗi năm hà mã gây ra cái chết cho khoảng 500 người ở châu Phi, là loài động vật gây ra cái chết cho con người nhiều nhất thế giới.

Để giữ cho nhiệt độ cơ thể xuống thấp, hà mã dành phần lớn thời gian trong ngày để ngâm mình dưới nước. Do vậy, cuộc chiến để tranh giành những vũng nước thường xuyên xảy ra giữa hà mã và những loài động vật khác.

Thậm chí, giữa những con hà mã cũng thường xuyên xảy ra các cuộc đụng độ để tranh giành vũng nước. Những con thua trận sẽ buộc phải bỏ đi để tìm những vũng nước mới cho riêng mình và những con non của chúng sẽ bị con đực giành chiến thắng giết chết.

Hiện hà mã đang nằm trong danh sách những loài động vật sắp nguy cấp cần được bảo tồn. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế ước tính hiện còn khoảng 115 ngàn đến 130 ngàn cá thể hà mã ngoài tự nhiên.

Theo Kruger/ITN