Khoảnh khắc cuối cùng trong máy bay gặp nạn đáng sợ đến mức nào?

T.Thủy

(Dân trí) - Một nam hành khách người Ấn Độ đã livestream khoảnh khắc cuối cùng bên trong chiếc máy bay vừa gặp nạn tại Nepal khiến tất cả người trên máy bay thiệt mạng. Đoạn clip đã gây sốc mạng xã hội.

Sonu Jaiswal, quốc tịch Ấn Độ, là một trong 68 hành khách ngồi trên chiếc máy bay vừa bị rơi của hãng hàng không Yeti Airlines ở miền Trung Nepal ngày 15/1 vừa qua. Điều đáng chú ý, Jaiswal đã vô tình phát trực tiếp khoảnh khắc cuối cùng của chiếc máy bay trước khi gặp nạn trên trang Facebook cá nhân của mình.

Theo đó, trong đoạn video được Jaiswal phát trực tiếp trên Facebook, anh đã ghi lại hình ảnh bên ngoài cửa sổ, cho thấy chiếc máy bay đang bay ở khoảng cách không quá xa mặt đất. Những hành khách trên máy bay vẫn nói chuyện một cách bình thường mà không hề hay biết thảm họa đang chờ đón họ.

Đoạn clip cũng cho thấy Jaiswal đang khá bình thản khi chuyến bay chuẩn bị hạ cánh. Đột nhiên, máy bay rung lắc dữ dội. Jaiswal chĩa camera vào bên trong cabin thì nghe thấy tiếng hành khách la hét trong hoảng loạn. Chỉ một khoảnh khắc ngắn sau, camera ghi được hình ảnh ngọn lửa bùng lên dữ dội và đoạn clip kết thúc.

Clip khoảnh khắc cuối cùng trong máy bay gặp nạn tại Nepal gây sốc dân mạng (Video: Facebook).

Tờ báo Times of India đã xác nhận Sonu Jaiswal là một trong những nạn nhân của vụ tai nạn máy bay. Người thân của anh này xác nhận Jaiswal đã phát trực tiếp lên mạng xã hội khoảnh khắc cuối cùng bên trong chiếc máy bay xấu số.

"Sonu đã phát livestream hình ảnh bên trong cabin khi chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh. Đoạn video cho thấy Sonu và những người bạn đồng hành đều có tâm trạng vui vẻ, nhưng không hề hay biết tai họa đang chờ đón mình", anh họ của Sonu trả lời tờ Times of India.

Đoạn clip ghi lại khoảnh khắc cuối cùng bên trong chiếc máy bay xấu số của Sonu Jaiswal đã gây sốt cộng đồng mạng. Nhiều cư dân mạng cho biết họ đã thực sự sốc khi chứng kiến sự việc xảy ra với các nạn nhân xấu số.

Địa hình Nepal là thách thức lớn cho bất cứ phi công nào

Vụ tai nạn xảy ra với chiếc máy bay ATR-72 của hãng hàng không Yeti Airlines, khi chiếc máy bay này chuẩn bị hạ cánh xuống một sân bay mới mở ở thành phố Pokhara (Nepal). Chiếc máy bay xấu số đã rơi xuống một thung lũng khi đang trong hành trình di chuyển từ thủ đô Kathmandu đến Pokhara. Chuyến bay chỉ kéo dài trong 27 phút.

Đây là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất trong vòng 3 thập kỷ qua tại Nepal.

Khoảnh khắc cuối cùng của chiếc máy bay xấu số được người dân ghi lại (Video: The Sun).

Vụ rơi máy bay khiến toàn bộ 68 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Trong số các hành khách có 15 người mang quốc tịch nước ngoài, bao gồm 5 người Ấn Độ, 4 người Nga, 2 người Hàn Quốc; các quốc gia Ireland, Úc, Argentina, Pháp đều có một nạn nhân xấu số.

Các chuyên gia về hàng không nhận định, ngay cả những phi công dày dạn kinh nghiệm nhất cũng gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các chuyến bay tại Nepal, kể cả những chuyến bay nội địa lẫn quốc tế đến và đi từ quốc gia này.

Thời tiết khắc nghiệt, địa hình đồi núi phức tạp, sân bay nằm ở những vị trí khó tiếp cận như hẻm núi, thung lũng… là những nguyên do khiến việc điều khiển máy bay tại Nepal trở thành một thách thức.

Theo một báo cáo vào năm 2019 của Cơ quan hàng không dân dụng Nepal, "địa hình thù địch" tại quốc gia này là một "thách thức rất lớn" mà các phi công phải đối mặt.

Nepal là "quê nhà" của 8 trong số 14 ngọn núi cao nhất thế giới, bao gồm cả đỉnh núi Everest nổi tiếng. Kiểu địa hình của quốc gia này khiến phi công rất khó để định hướng, đặc biệt trong điều kiện thời tiết xấu. Trong trường hợp điều khiển những chiếc máy bay cỡ nhỏ, gió lớn có thể khiến tai nạn máy bay có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chỉ cần một sai sót nhỏ từ phía phi công.

Đáng chú ý, do địa hình hiểm trở và có nhiều sân bay với đường băng hạn chế chiều dài khiến máy bay cỡ nhỏ được sử dụng phổ biến tại Nepal, dẫn đến việc tăng nguy cơ xảy ra tai nạn hàng không.

Theo UL/NDTV