Khoa học Việt Nam có nhiều cơ hội trong “trạng thái bình thường mới”

(Dân trí) - “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam và toàn thế giới sau dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho ngành KH&CN của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Chia sẻ tại tại Lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh cho hay, trong đợt toàn dân phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, ngay từ những ngày đầu bùng phát của dịch, ngành KH&CN đã tích cực huy động các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN khẩn trương triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phòng chống dịch bệnh theo phương châm “chống dịch như chống giặc”.

“Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng được ghi nhận trong việc sản xuất thành công bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2 được công nhận về chất lượng để sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Các tổ chức KH&CN của Việt Nam cũng đã nuôi cấy và phân lập thành công vi rút SARS-CoV-2, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sâu hơn về virus, đồng thời cung cấp vật liệu và hỗ trợ tích cực cho nghiên cứu chế tạo bộ KIT, kháng thể đơn dòng và vắc xin.

Việt Nam cũng đã sản xuất và đưa vào thử nghiệm thành công nhiều loại robot phục vụ chăm sóc y tế cho người nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trên nền tảng Hệ tri thức Việt số hóa đã được xây dựng và hình thành trước đó, với sự tham gia rất trách nhiệm và hiệu quả của các đơn vị chức năng của các bộ như: Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông,… nhiều ứng dụng đã được triển khai hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh như bản đồ vùng dịch, phần mềm khai báo y tế,…”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

Khoa học Việt Nam có nhiều cơ hội trong “trạng thái bình thường mới” - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tặng hoa và bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có những kết quả nghiên cứu xuất sắc trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. 

Bộ trưởng cũng khẳng định, các kết quả khả quan từ việc nghiên cứu thành công các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch trong thời gian ngắn như vừa qua cho Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm. Một mặt, với sự quan tâm đầu tư của nhà nước và xã hội, các tổ chức KH&CN và các nhà khoa học của Việt Nam đã từng bước đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn của đất nước.

Các nghiên cứu cơ bản trong thời gian dài trước đây cũng đã góp phần quan trọng vào tăng cường năng lực cho các tổ chức KH&CN và các nhà khoa học của Việt Nam. Mặt khác, việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phòng, chống dịch cũng cho chúng ta nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu chung giữa viện, trường và các doanh nghiệp để giải quyết nhu cầu cụ thể, cấp thiết của xã hội.   

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, trạng thái bình thường mới ở Việt Nam và toàn thế giới sau dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức và cơ hội cho ngành KH&CN của Việt Nam.

Khoa học Việt Nam có nhiều cơ hội trong “trạng thái bình thường mới” - 2

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. 

Chính vì thế, trong thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện pháp luật về khoa học, công nghệ & đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào việc đồng bộ với pháp luật về kinh tế, đầu tư, tài chính nhằm đẩy mạnh việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ xã hội cho KH&CN và tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nhằm tạo động lực cho việc ứng dụng các thành tựu, kết quả của nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình nghiên cứu cơ bản lớn của quốc gia như Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đến 2020; Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020, Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025; … 

Nguyễn Hùng (ghi)