Bình Định:

Khoa học là chân lý của sự phát triển bền vững

(Dân trí) - “Khoa học dựa trên sự thật của chân lý, đóng góp nhiều cho hòa bình thế giới. Chúng ta phải chia sẻ như những người bàn thì mới có những ý tưởng mới để đóng góp cho sự phát triển chung của thế giới”, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam nhấn mạnh.

Ngày 9/5, tại Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã diễn ra hội thảo quốc tế chủ đề “Khoa học để phát triển”. Hội thảo do Tổ chức Khoa học và Giáo dục - Gặp gỡ Việt Nam (Hội GGVN) phối hợp với Bộ KH-CN, UBND tỉnh Bình Định, Viện nghiên cứu phát triển Pháp chi nhánh tại Việt Nam tổ chức tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm thành lập hội GGVN.

Khai mạc hội thảo quốc tế chủ đề “Khoa học để phát triển” diễn ra tại Trung tâm ICISE ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Khai mạc hội thảo quốc tế chủ đề “Khoa học để phát triển” diễn ra tại Trung tâm ICISE ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Phát biểu tại hội nghị GS Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam, bày tỏ vinh dự được chào đón 150 nhà khoa học quốc tế đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đã vượt chặng đường dài vạn dặm đến Việt Nam để chia sẻ những thành tựu nghiên cứu tại hội nghị này.

“Khoa học dựa trên sự thật chân lý, đóng góp nhiều cho hòa bình thế giới. Chúng ta phải cùng chia sẻ như những người bạn thì mới có những ý tưởng mới. Ở đây, chúng ta mới chỉ bắt đầu cuộc phiêu lưu mới đầy thú vị. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự giúp sức của cộng đồng khoa học quốc tế, đặc biệt là những nhà khoa học đang ngồi tại đây. Tôi hi vọng các nhà khoa học đang ngồi đây hãy chia sẻ những nghiên cứu, phát hiện mới mà quý vị có được cho chúng tôi”. GS Vân chia sẻ.

Đại diện Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc chào mừng các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam, đến với Trung tâm ICISE - biểu tượng của hợp tác khoa học Việt Nam và thế giới.

GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam phát biểu khai mạc.
GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam phát biểu khai mạc.

Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập hội GGVN, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng đã bày tỏ sự tri ân về những đóng góp to lớn của vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc đối với nền khoa học, giáo dục Việt Nam.

“Cuộc sống con người diễn ra thế nào, nhanh hay chậm đều do khoa học quyết định. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng lực đẩy cho sự phát triển đó là lao động giá rẻ và tài nguyên đều đang dần cạn kiệt. Vì thế, khoa học kỹ thuật phải là yếu tố quyết định cho sự phát triển để đưa Việt Nam tiến gần hơn đến với thế giới”, Thứ trưởng Tạc nhấn mạnh.

Còn nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân chia sẻ: “Thông qua các hội nghị này, tôi hi vọng chúng ta thường xuyên gặp nhau, tìm đến vấn đề chung để hợp tác nghiên cứu những vấn đề của Việt Nam, giải quyết những vấn đề khoa học của Việt Nam để giúp cho Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành một quốc gia khởi nghiệp như mong muốn của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình trong khu vực và có nền khoa học phát triển tiên tiến”.

GS Gerard ‘t Hooft - giải Nobel Vật lý đã lý giải vì sao khoa học công nghệ phát triển ở khu vực châu Âu.
GS Gerard ‘t Hooft - giải Nobel Vật lý đã lý giải vì sao khoa học công nghệ phát triển ở khu vực châu Âu.

Thay mặt cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam, GS Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến vợ chồng GS Trần Thanh Vân đã xây dựng nên trung tâm ICISE, đóng góp to lớn cho nền khoa học - kỹ thuật Việt Nam, gắn kết khoa học trong và ngoài nước. GS Hiệu cũng mong muốn được sự ủng hộ của các nhà khoa học trên thế giới.

Tại hội thảo, GS Gerard ‘t Hooft - giải Nobel Vật lý đã lý giải vì sao khoa học công nghệ phát triển ở khu vực châu Âu. “Những người châu Âu không phải thông minh hơn châu Á nhưng họ tò mò hơn, thích khám phá hơn, vì thế họ có nhiều phát minh hơn, quan trọng hơn là họ có tự do, tự do thể hiện quan điểm, tự do sáng tạo.

Ông GS Gerard ‘t Hooft khuyến cáo: Chúng ta phải có một hệ thống giáo dục đúng cho người dân. Ngay cả những người đoạt giải Nobel thì ngay từ tiểu học phải được hưởng 1 nền giáo dục đúng cách, trong đó có ngôn ngữ.

“Tôi khuyên các bạn làm khoa học nếu chưa giỏi tiếng Anh phải học ngay, vì đó là ngôn ngữ của khoa học. Người làm khoa học phải biết đặt ra những câu hỏi và trả lời được những câu hỏi này. Nếu không biết đặt câu hỏi thì không thể trả lời được, tức là nghiên cứu không thể thành công”, ông GS Gerard ‘t Hooft khuyên.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại hội thảo.

GS Finn Kydland - người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2004 đã phát biểu nhấn mạnh về mức độ tương tác kinh tế và khoa học mà các nước đã đạt được. “Sự mất bình đẳng gia tăng ở các nước như thế nào trong một vài thập kỷ qua?. Tôi đã nghĩ về vấn đề này, thấy rằng, có khoảng cách lớn giữa các nước với nhau”.

GS Finn Kydland cho rằng, nền kinh tế mỗi quốc gia phụ thuộc vào thể chế của nước đó, bao gồm nhiều vấn đề như chính sách, vốn.. nhưng trong đó có yếu tố về khoa học công nghệ: khoa học công nghệ tác động rất lớn đến sự phát triển.

“Khi một quốc gia không có các thể chế, yêu cầu để có thể cam kết các chính sách tốt cho khoa học công nghệ thì khó để tác động trong ngắn hạn cho sự phát triển, thậm chí có thể gây tác động xấu cho xã hội”.

Một số hình ảnh các nhà khoa học tham dự hội thảo quốc tế chủ đề “Khoa học để phát triển” tại Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định:

Khoa học là chân lý của sự phát triển bền vững - 5
Khoa học là chân lý của sự phát triển bền vững - 6
Khoa học là chân lý của sự phát triển bền vững - 7
Khoa học là chân lý của sự phát triển bền vững - 9
Khoa học là chân lý của sự phát triển bền vững - 10

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm