Khí thải CO2 giảm kỷ lục trong năm 2020 vì một lý do dễ hiểu

(Dân trí) - Các đợt phong tỏa, giãn cách xã hội, cùng với việc nhiều hoạt động sản xuất và thương mại bị hủy bỏ hoặc thu hẹp đã khiến lượng khí thải CO2 trên toàn cầu giảm kỷ lục 7% trong năm nay.

Khí thải CO2 giảm kỷ lục trong năm 2020 vì một lý do dễ hiểu - 1

Dự án khí thải toàn cầu (quy tụ hàng chục nhà khoa học quốc tế chuyên về khí thải) đã tính toán rằng thế giới sẽ thải ra tổng cộng khoảng 34 tỉ tấn khí thải CO2 ra môi trường trong năm 2020. Con số này thấp hơn 7% so với mức 36,4 tỉ tấn CO2 vào năm 2019, theo một nghiên cứu được đăng tải mới đây trên tờ Cơ sở dữ liệu khoa học về trái đất.

Theo hãng tin AP, các nhà khoa học cho biết mức sụt giảm này là do mọi người ở nhà nhiều hơn, đi lại bằng ô tô và máy bay ít hơn. Do đó, khi đại dịch kết thúc, lượng khí thải CO2 có thể sẽ lại tăng. Giao thông đường bộ hiện chiếm tới 1/5 lượng khí thải CO2 phả ra môi trường.

"Dĩ nhiên là phong tỏa chắc chắn không phải cách để giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu," đồng tác giả Corinne LeQuere cho biết. Ông là một nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Đông Anglia.

Nhóm các nhà khoa học nói trên cách đây vài tháng đã dự báo mức giảm từ 4% đến 7%, tùy vào diễn biến của dịch Covid-19. Làn sóng Covid-19 thứ hai và việc giảm hoạt động đi lại đã mang tới mức giảm 7% lượng khí thải CO2.

Trong đó, mức giảm ở Mỹ là 12%, ở châu Âu là 11 và ở Trung Quốc là 1,7%. Lý do là Trung Quốc thực hiện phong tỏa và giãn cách sớm hơn, cũng ít bị tác động bởi làn sóng thứ hai hơn. Ngoài ra, lượng khí thải ở Trung Quốc xuất phát từ hoạt động sản xuất nhiều hơn là từ phương tiện giao thông, theo ông LeQuere.

Dựa trên các báo cáo về việc sử dụng năng lượng, hoạt động sản xuất và tình hình giao thông, các tính toán trên được nhiều nhà khoa học bên ngoài đánh giá là chính xác.

Dù đã giảm trong năm 2020, nhưng lượng khí thải CO2 trung bình mà môi trường phải hứng trong năm 2020 là 1.075 tấn/giây.

Cũng theo các nghiên cứu tương tự, lượng khí thải trong năm 2019 cho thấy so với năm 2018 chỉ tăng 0,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình khoảng 3% cách đây 1-2 thập kỷ. 

Ông Chris Field, giám đốc Viện nghiên cứu môi trường Stanford Woods ở Mỹ cho rằng khí thải sẽ tăng lên sau đại dịch, nhưng ông tin rằng mọi người đã rút ra được vài bài học mà có thể sẽ giúp giảm khí thải trong tương lai.

"Ví dụ, sau một thời gian đã quen với việc giao tiếp trực tuyến thì sẽ thấy không thực sự cần những chuyến công tác tốn kém và góp phần làm ô nhiễm môi trường," ông nói.

Nhật Minh