1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Khí quyển Trái Đất chứa đầy rác nhựa

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng của hạt vi nhựa “tuần hoàn” trong các hệ tự nhiên của Trái Đất, trong đó có cả vòng tuần hoàn của nước.

Điều đáng lo ngại hơn thế là vi nhựa được coi là ngày càng tích tụ cả ở những vùng xa xôi hẻo lánh và nơi hoang dã.

Khí quyển Trái Đất chứa đầy rác nhựa - 1
Kính hiển vi giúp các nhà nghiên cứu đếm và xác định các hạt và mẩu vi nhựa.

Giáo sư dự khuyết Janice Brahney của Trường đại học bang Utah, Mỹ cùng nhóm nghiên cứu của bà đã nghiên cứu về vi nhựa trong hơn 14 tháng qua. Họ đã tìm hiểu 11 địa điểm là các công viên quốc gia và khu vực hoang dã ở nước Mỹ. Họ dùng các kính hiển vi để tìm ra vi nhựa trong các mẫu vật thu thập được, cố gắng tìm hiểu nguồn phát thải các hạt vi nhựa này và nơi chúng sẽ đến.

Khí quyển Trái Đất chứa đầy rác nhựa - 2

Các nhà nghiên cứu bố trí các bộ lọc ở thực địa, sau đó kiểm tra nhựa đọng lại trong các bộ lọc này. Họ dùng các đồng xu để giữ cho bộ lọc đứng im trên đĩa của kính hiển vi.

Giáo sư Brahney nói rằng “chúng tôi rất sốc khi thấy tỷ lệ lắng đọng vi nhựa và cố gắng kiểm tra xem chúng tôi có tính nhầm hay không. Nhưng rồi chúng tôi khẳng định thông qua 32 lần soi chiếu kiểm tra khác nhau rằng khoảng 4% các hạt khí quyển ở những nơi này là nhựa tổng hợp”.

Vi nhựa là những mẩu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Một số hạt vi nhựa được tạo ra có chủ đích, ví dụ như làm mỹ phẩm, nhưng vi nhựa thứ cấp thì tạo ra do các vật dụng bằng nhựa phân hủy.

Nhựa nano là những mẩu nhựa còn nhỏ hơn vi nhựa, chúng có kích thước nhỏ đến vài micromet. Nhựa nano được cho là có thể thẩm thấu vào ruột của các sinh vật sống và trở thành một phần của tế bào. Điều này vô cùng nguy hiểm vì nhựa thường chứa chất độc và các chất hóa học gây ung thư.

Các sinh vật biển có thể hấp thụ vi nhựa, do đó con người ăn hải sản cũng bị nhiễm vi nhựa. Các nhà khoa học vẫn đang cố tìm hiểu chính xác mức độ nguy hiểm của ô nhiễm nhựa đối với con người.

Nghiên cứu nói trên cho biết năm 2017, toàn thế giới sản xuất ra 148 triệu tấn nhựa. Và tốc độ này không có dấu hiệu thuyên giảm.

Lâu nay chúng ta đã nghe về việc vi nhựa tích tụ trên các dòng sông và đại dương nhưng chỉ mới đây các nhà nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo rằng nhựa có cả trong không khí. Giáo sư Brahney nói rằng một vài nghiên cứu đã cố gắng định lượng vòng tuần hoàn của nhựa trên toàn cầu nhưng đều chưa tính đến nhựa trong không khí. Dữ liệu của nghiên cứu mới này cho thấy vòng tuần hoàn của nhựa cũng giống với vòng tuần hoàn của nước, tức là luân chuyển từ khí quyển xuống đại dương rồi vào đất liền và cứ thế quay lại. 

Các thành phố và những nơi đông người là nguồn phát thải ra nhiều vi nhựa và lắng đọng lại nhiều nhất. Hầu hết nhựa được tìm thấy cả trong các mẫu vật ướt và khô là ở quần áo và nguyên liệu công nghiệp. Khoảng 30% hạt vi nhựa này có màu sáng và được cho là dùng trong sơn và các vật liệu tráng bề mặt trong công nghiệp. Phần còn lại nằm trong các vật dụng bằng nhựa khác.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu này cùng với mức độ phát tán nhựa và mối quan hệ với các hình thái khí hậu toàn cầu cho thấy các nguồn phát thải nhựa đã mở rộng rất nhiều và vượt ra ngoài các trung tâm đông dân cư và tồn tại rất lâu trong các hệ thống cơ bản của Trái Đất. Họ ước tính riêng ở miền Tây nước Mỹ mỗi năm có hơn 1.000 tấn vi nhựa lắng đọng vào đất, tương đương với hơn 123 triệu chiếc chai đựng nước.

Đấy là chưa kể đến lượng hạt trắng và trong không màu bởi vì chúng không được nhận diện trong quá trình sử dụng kính hiển vi phóng đại. Vì thế, các nhà nghiên cứu cho rằng con số ước tính của họ còn thấp hơn nhiều so với thực tế đáng lo ngại. 

Giáo sư Brahney kết luận rằng việc vi nhựa có mặt ở khắp nơi kể cả trong không khí và sau đó lắng đọng ở những vùng đất liền xa xôi hay trong môi trường sông, biển là mối nguy hiểm lớn cho hệ sinh thái. Xác định những cơ chế chủ chốt của việc phát thải nhựa vào khí quyển là bước đầu tiên nếu muốn có một giải pháp toàn cầu cho vấn đề này. Kết quả nghiên cứu này vừa được đăng trên Tạp chí Khoa học, Mỹ, ngày 12/6/2020.

Phạm Hường 

Theo The Sun