Khí cười có gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người?

(Dân trí) - Nếu nhà khoa học Joseph Priestley có sống lại ông cũng không thể ngờ rằng thứ khí mà ông đã tìm ra từ năm 1772 lại trở nên phổ biến thứ tư trong các loại thuốc được sử dụng tại chính quê hương ông, nước Anh như hiện nay.

Nitrous oxide hay khí cười có công thức hóa học là N2O không màu, có vị ngọt. Được gọi là khí cười vì N2O gây cảm giác hưng phấn, kích thích cho người hít phải.

Ngược dòng lịch sử, khí cười được nhà khoa học người Anh, Joseph Priestley tìm ra, nhưng những người thử nghiệm và sử dụng nó thường xuyên để tạo cảm giác lạ không phải là giới trẻ hay giới bình dân thời đó mà lại chính là các nhà khoa học nổi tiếng.


Thú chơi bóng cười bằng cách sử dụng khí nitrous oxide đang được khá nhiều các bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng (ảnh minh họa)

Thú chơi bóng cười bằng cách sử dụng khí nitrous oxide đang được khá nhiều các bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng (ảnh minh họa)

Nhà hóa học, hiệp sĩ, Humphry Davy là người đã sử dụng khí cười vào mục đích giải trí trong suốt nhiều năm sau khi khí nitrous oxide được tìm ra, cùng trong số những nhà khoa học nổi tiếng sử dụng khí cười phải kể đến James Watt, Thomas Beddoes… Trong suốt một thời gian dài, khí cười chỉ được sử dụng cho mục đích giải trí trong tầng lớp quý tộc tại Anh bởi sự đắt đỏ và khó khăn khi sản xuất loại khí này.

Ngày nay, nitrous oxide được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau ví dụ như trong động cơ tên lửa, động cơ xe đua, trong thực phẩm, trong y tế. Trong thực phẩm, nitrous oxide được sử dụng như một phụ gia thực phẩm (E942) hợp pháp ở nhiều nước trên thế giới.

Trong y tế, khí cười đã được sử dụng từ rất sớm những năm cuối thế kỉ thứ 19 trong nha khoa. Đến nay, khí cười được sử dụng như là một liệu pháp giảm các cơn đau, gây tê cho những ca phẫu thuật răng, cho phụ nữ khi sinh con… Việc sử dụng khí cười để giảm đau khi phụ nữ sinh nở được cho là an toàn hơn so với các liệu pháp sử dụng thuốc giảm đau thông thường vì ít ảnh hưởng đến đứa bé mới sinh.

Các bác sĩ, các nhà khoa học khá đồng ý về việc sử dụng khí cười như một loại thuốc an toàn và khí cười là một loại khí rất ít độc hại.

Theo bác sĩ Adam Winstock, sáng lập viên của tổ chức Global Drug Survey, trong 40 năm qua, chỉ có khoảng 40 người chết có liên quan đến loại khí này, đây là con số rất ít nếu so với các loại thuốc khác đang được sử dụng và càng ít hơn so với các loại thuốc kích thích, gây nghiện. Theo BBC, năm 2011, nước Anh có 1 người chết được cho là có liên quan đến khí cười, tuy nhiên, cùng năm đó có đến 2.652 cái chết được cho là có liên quan đến heroin và morphine, cũng như 125 người chết được cho là có liên quan đến cocain và ecstaxy (các loại thuốc gây nghiện).

Tuy rất an toàn và được sử dụng như một loại thuốc, nhưng việc giới trẻ sử dụng bừa bãi khí cười trong các buổi tiệc, trong giải trí một cách không có liều lượng là điều rất đáng báo động.

Một số nghiên cứu cho thấy, những người tiếp xúc nhiều với khí cười có thể bị một số ảnh hưởng nhất định. Năm 1992, nhóm nghiên cứu của A. D. Rowland tại Vương quốc Anh đăng trên tạp chí The New England Journal of Medicine đã cho thấy, những nữ y tá làm việc trong các phòng khám nha khoa, những người phải tiếp xúc nhiều với khí cười hàng ngày có thể bị suy giảm khả năng có thai.

Trong một nghiên cứu khác thực hiện năm 1994 cũng của nhóm nhà khoa học này cho thấy, những nữ y tá làm việc trong các phòng khám nha khoa có thời gian tiếp xúc với khí cười nhiều hơn 6 tiếng một ngày có nguy cơ bị xảy thai cao hơn nhóm bình thường từ 10 – 30%.

Các nghiên cứu của nhóm nhà nghiên cứu là J. Weimann tại Đức năm 2003 được đăng tải trên tạp chí khoa học Best Practice and Research Clinic Anaesthesiologsiolog cũng cho thấy một số mặt tiêu cực của khí cười khi bị lạm dụng cụ thể như: Khí cười ức chế chọn lọc enzyme methionine synthase, là enzyme chủ chốt trong quá trình chuyển hóa methionine và folate, do đó nó gây ra tương tác với vitamin B12. Tiếp xúc trong thời gian dài với khí N2O nồng độ cao sẽ gây thiếu máu hồng cầu lớn và gây một số tổn thương thần kinh. Phơi nhiễm liều cao trong thời gian dưới 6 tiếng không gây hại ví dụ như đã được sử dụng gây tê trên lâm sàng.

Đặng Văn Sơn (Học viện Sáng tạo S3)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm