Khâm phục thầy giáo dạy nhạc chế “xế hộp” cho con
(Dân trí) - Vốn là thầy giáo dạy nhạc, nhưng với niềm đam mê và muốn dành tặng các con món quà ý nghĩa, anh Đỗ Thanh Sơn tiếp tục chế tạo chiếc xe thứ 2 cho các con. Nhìn chiếc “xế hộp” chạy bon bon trên đường làng, ít ai có thể nghĩ tới, "nhà sáng chế" lại chính là một thầy giáo dạy nhạc.
“Xới tung” nhiều trang mạng để đọc các loại tài liệu
Năm 2016, thầy giáo Đỗ Thanh Sơn (SN 1982), ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã từng khiến nhiều người “sửng sốt” trước việc chế tạo xe ô tô tự lái cho con. Nhìn chiếc “xế hộp” chạy bon bon trên đường làng, ít ai có thể nghĩ tới, "nhà sáng chế" lại chính là một thầy giáo dạy nhạc.
Khi các con ngày một lớn, chiếc xe cũ có kích thước nhỏ nên anh Sơn đi đến quyết định chế chiếc “xế hộp” thứ 2 cho các con. Theo anh Sơn, quy trình chế tạo chiếc xe lần này khác hoàn toàn so với trước đó. Có lúc gặp thiết bị không đúng ý và sai kích thước, vừa mất tiền lại phải tự chế tạo lấy.
Để thực hiện chế chiếc xe, công đoạn đầu tiên là phải có thiết bị. Lần này, do thiết bị đúng kích thước, thông số như mong muốn của anh ở Việt Nam không có. Từ đó, anh đã phải liên hệ sang nước ngoài nhờ mua thiết bị. Nhưng để mua được thiết bị đúng chủng loại mình cần là rất khó, nếu mua không đúng kích thước coi như phí tiền, công sức.
Do không biết ngoại ngữ, anh Sơn đã mày mò hàng chục ngày, “xới tung” nhiều trang mạng để đọc các loại tài liệu. Sau khi đã nghiên cứu kỹ, anh mới dám nhờ người mua thiết bị.
Sau bao cố gắng, anh Sơn cũng đã chọn mua được loại thiết bị cơ bản đúng với mong muốn, còn lại một số thiết bị còn thiếu nên đành chịu. Khi đã có thiết bị, anh phải lần mò bao đêm để đọc và học các thông số về cơ khí, cũng như thông số của linh kiện. Có những khi bế tắc, anh không biết hỏi ai.
“Ví dụ như lốp xe, người ta ghi là 13x6.5-6, tôi không hiểu là gì. Hỏi những người làm nghề lốp cũng không hiểu, đưa hình ra cho họ xem thì cũng không biết. Tôi lại phải tự tìm và đọc tài liệu. Nhưng cuối cùng, phải nhờ một người thạo ngoại ngữ hỏi thẳng nhà sản xuất mới biết thông số chi tiết đó là như thế nào. Thế là hình dung ra được bánh xe, vì bánh xe liên quan đến cả kích thước xe về mặt thẩm mỹ”, anh Sơn chia sẻ.
Khi đã hình dung được kích thước xe, bước tiếp theo là học phần mềm mô hình hóa 3D để thiết kế bản vẽ, phác họa, hình dung kích thước tay lái, kích cỡ thước lái...
Ban đầu, với suy nghĩ đã thực hiện thành công chiếc xe trước đó nên sẽ có kinh nghiệm, nhưng mỗi xe cấu tạo khác nhau và mong muốn chiếc xe lần này có kết cấu tốt hơn, anh Sơn lại phải mày mò. Trong khi, chiếc xe cũ chỉ cần dùng ắc quy là có thể chạy được. Lần này, anh Sơn chuyển sang dùng pin Lifepo4 cho chiếc xe. Tuy nhiên, ban đầu, khi lắp vào, bị tụt dòng điện, xe chạy yếu mà không hiểu lý do như thế nào.
“Tôi lại phải tìm hiểu về dòng nội trợ, áp và vôn. Công đoạn này cũng mất khá nhiều thời gian. Cuối cùng cũng vỡ lẽ ra là ắc quy không chịu được tải khởi động của xe lên đến gần 30A, lại phải thay cả ắc quy đi để bỏ pin để tải khỏe hơn”, anh Sơn lý giải.
“Hãy cứ đam mê đi, thành công sẽ đến!”
Sau hơn 2 tháng trời miệt mài, vừa nghiên cứu vừa làm, anh Sơn đã cho ra được chiếc “xế hộp” hoàn chỉnh có phanh đĩa dầu, thước lái, màn hình báo vôn, am pe, cũng như công suất tiêu thụ điện. Ngoài ra còn có đèn xi-nhan, đèn báo khẩn cấp, đèn chiếu sáng, đầu radio...
Theo anh Sơn, khó nhất là tính thẩm mỹ của xe. Không như các hãng chế tạo xe chuyên nghiệp có cả đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật, mỗi người một việc để tạo nên chiếc xe. Trong khi đó, mình anh phải tự mày mò làm hết các công đoạn. Có những lúc mệt mỏi, anh muốn bỏ lại, nhưng nghĩ đến các con, anh lại làm tiếp. Với anh, mỗi khi có động lực thì cái gì cũng làm nên.
Công việc chế xe cho các con, anh Sơn chỉ tranh thủ lúc nhàn rỗi. Có khi thì buổi trưa, lúc thì buổi chiều, chủ nhật thì làm cả ngày, còn buổi tối anh lại dạy thêm piano, guita, thanh nhạc, organ.
“Vì các con đã lớn, chiếc xe đầu nhỏ quá, không thể ngồi vừa nữa, mình làm chiếc này lớn hơn, an toàn hơn cho các cháu, chiếc xe mới có tải trọng từ 500 - 700kg. Mong muốn của mình chế xe là để các cháu có thể tự lái, có khi đi lên đồi để giúp các cháu hòa nhập với thiên nhiên. Qua đó, mình có cơ hội chỉ cho các con về thảm thực vật cũng như sinh học. Giờ thấy các cháu cứ ôm lấy điện thoại, máy tính bảng nhiều quá, đâm ra lo lắng”, anh Sơn cho biết thêm.
Thông điệp của anh Đỗ Thanh Sơn khi quyết định tự chế xe chiếc xe thứ hai cho các con là: “Tôi tin ai cũng làm được nếu bỏ chút thời gian. Mình đam mê một phần vì các con thôi, nó không phải ngành của mình, nghiệp mình là âm nhạc. Mua xe sẵn nó sẽ không tốt và ý nghĩa bằng tự làm. Hãy cứ yêu thương đi sẽ làm được hết; hãy cứ đam mê đi, thành công sẽ đến”.
Duy Tuyên