1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Khám phá phòng chiến tranh bầu cử tại trụ sở Facebook

(Dân trí) - Nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận trong bầu cử, Facebook đã thành lập phòng chiến tranh bầu cử tại trụ sở chính của công ty, chuyên giám sát và xử lý các hành vi ngăn cản cử tri đi bỏ phiếu qua mạng xã hội.

Khám phá phòng chiến tranh bầu cử tại trụ sở Facebook - 1

Ngày thứ tư vừa rồi, Facebook đã thông báo ngắn gọn cho các phóng viên về nỗ lực gần đây nhất của họ nhằm phát hiện các hành vi gian lận trong mùa bầu cử và mời các phóng viên đi thăm phòng hội nghị lớn của Facebook, nơi có hàng tá nhân viên đang giám sát các sự kiện suốt ngày đêm.

Samidh Chakrabarti, trưởng bộ phận các vấn đề của công chúng tại Facebook, người chịu trách nhiệm giám sát phòng chiến tranh bầu cử cho biết: “Chúng tôi biết rằng đến các kỳ bầu cử, mỗi khoảnh khắc đều là vô giá. Vì vậy, khi các sự kiện mới nhất diễn ra trên Facebook, chúng tôi cần phải phát hiện ra và xử lý trên thực tế càng nhanh càng tốt”.

Một mặt, phòng chiến tranh bầu cử chỉ là một trong nhiều phòng hội nghị ở trụ sở chính của Facebook tại MPK 20, Menlo Park, California nhưng có kích cỡ lớn hơn mức trung bình và luôn đầy ắp người và các thiết bị điện tử. Trong phòng bố trí bàn làm việc cho 24 nhân viên và có 17 màn hình treo quanh phòng, mỗi màn hình tập trung phát một sự kiện trên Facebook đang được giám sát.

Khám phá phòng chiến tranh bầu cử tại trụ sở Facebook - 2

Các nhân viên Facebook tìm kiếm các dấu hiệu nghi ngờ trong các thư rác hoặc phát ngôn tiêu cực, trong một số trường hợp, họ sử dụng phần mềm được thiết kế riêng nhằm phát hiện các dấu hiệu này. Họ tìm kiếm các hành vi ngăn cản cử tri đi bỏ phiếu như thông tin sai cho cử tri rằng họ sẽ phải xếp hàng dài để bỏ phiếu hoặc cuộc bầu cử bị hoãn.

Ví dụ, gần đây, một nhóm đã phát hiện ra một hành vi lừa đảo trong cuộc bầu cử ở Brazil trong đó nhóm lừa đảo đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử bị hoãn một ngày vì các cuộc biểu tình và đã nhanh chóng gỡ bỏ các thông tin sai phạm.

Các nhân viên khác sử dụng CrowdTangle, một công ty giám sát việc phát tán các bài báo qua các trang mạng xã hội, theo yêu cầu của Facebook, nhằm phát hiện ra các bài báo nào đang dẫn đầu lượng theo dõi trên Facebook,Instagram, Twitter và Reddit.

Với phương châm mọi bộ phận đều tham gia, 20 bộ phận đều có đại diện tại phòng chiến tranh bầu cử, thay mặt cho 20.000 nhân viên làm việc trong lĩnh vực an toàn và an ninh của Facebook trên toàn cầu. Các bộ phận bao gồm bộ phận đe dọa bảo mật, nhóm khoa học dữ liệu, nhóm kỹ sư, nhóm nghiên cứu, nhóm điều hành, nhóm chính sách, truyền thông, và đại diện của WhatsApp và Instagram.

Phòng chiến tranh bầu cử ở trụ sở Facebook - Ảnh từ Facebook
Phòng chiến tranh bầu cử ở trụ sở Facebook - Ảnh từ Facebook

Nếu ai phát hiện ra vấn đề, họ sẽ chuyển thông tin cho các chuyên gia, rồi họ sẽ chuyển chúng đến những người lãnh đạo phù hợp. Facebook cũng thông báo cho các thống đốc bang và các nhân viên bầu cử cách tiếp cận phòng chiến tranh bầu cử một cách nhanh chóng nhằm báo cáo các hành vi ngăn cản cử tri đi bỏ phiếu và các hoạt động đáng nghi khác.

Nếu phòng chiến tranh bầu cử là mới thì công việc của họ không hề mới: các bộ phận ở Facebook đã được phân chia nhiệm vụ để ngăn cản việc phát tán các thông tin sai lệch từ năm 2016. Quyết định tổ chức lại thành một phòng riêng nhằm mục đích đưa ra các quyết định nhanh chóng hơn.

Chakrabarti cho biết: “Vì mỗi khoảnh khắc đều đáng giá, việc đưa ra các quyết định cần được tiến hành nhanh chóng. Không gì có thể thay thế việc giao tiếp trực tiếp nên chúng tôi cảm thấy cần thành lập phòng này để điều phối giữa các nhóm”.

Khi chúng tôi đến thăm quan, phòng chiến tranh bầu cử được trang trí bằng cờ Mỹ và cờ Brazil, tượng trưng cho hai cuộc bầu cử sắp diễn ra. Đây là quãng thời gian vất vả: trong tuần trước đó, Facebook đã gỡ bỏ 559 trang và 251 tài khoản ở Mỹ vì sử dụng thông tin cá nhân giả và điều phối các chiến dịch thông tin. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Brazil đã công bố kết quả của một nghiên cứu cho thấy việc kiểm tra các hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất ở trên phần chat công cộng ở Whatsapp cho thấy nhiều hình ảnh chứa các thông tin sai lệch.

Từ hơn 100.000 bức ảnh có liên quan đến chủ đề chính trị được chia sẻ trong 347 nhóm, 50 hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất được lựa chọn. Những hình ảnh này được đánh giá bởi Agência Lupa, trang thông tin kiểm tra sự kiện hàng đầu ở Brazil.

Tám trong số 50 bức ảnh và hình ảnh được xác định là sai sự thật hoàn toàn, 16 bức ảnh thật nhưng được sử dụng sai mục đích ban đầu hoặc bị chỉnh sửa dữ liệu; bốn hình ảnh không dựa trên các nguồn thông tin công cộng đáng tin cậy. Điều này có nghĩa là 56% những hình ảnh được chia sẻ nhiều nhất đang bị sử dụng sai. Chỉ có 8% trong số 50 ảnh được chia sẻ nhiều nhất là hoàn toàn chính xác.

Facebook không cam kết sẽ duy trì phòng chiến tranh bầu cử mãi mãi nhưng với số lượng lớn các cuộc bầu cử diễn ra khắp nơi trên thế giới hàng năm, công ty dự kiến sẽ tiếp tục duy trì phòng này tới một thời điểm nhất định nào đó trong tương lai.

Katie Harbath, giám đốc phụ trách các vấn đề liên quan đến chính trị và chính phủ trên quy mô toàn cầu của Facebook cho biết: “Đây sẽ là một cuộc chạy đua vũ trang liên tục. Đây là tiêu chuẩn mới của chúng tôi. Những người xấu hành động ngày càng tinh vi hơn và chúng tôi cũng phải khôn khéo hơn để bắt được họ”.

Lộc Ninh (Theo MSN)