1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Khám phá mới có thể viết lại lịch sử bệnh đậu mùa

Khám phá mới về virus đậu mùa trên một xác ướp thế kỷ 17 do các nhà nghiên cứu của ĐH McMaster (Canada) dẫn đến nghi ngờ rằng, virus này có thể xuất hiện muộn cả hàng ngàn năm so với những giả thiết trước đây.


Nghiên cứu thực hiện trên xác ướp được tìm thấy năm 2015 trong hầm mộ một nhà thờ ở Vilnius (Lithuania)

Nghiên cứu thực hiện trên xác ướp được tìm thấy năm 2015 trong hầm mộ một nhà thờ ở Vilnius (Lithuania)

Mặc dù là một virus khá phổ biến và được nghiên cứu nhiều nhưng nguồn gốc phát sinh của virus đậu mùa vẫn còn bí ẩn.

Ana Duggan, tác giả thứ nhất của nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Cell Biology ngày 8/12, cho biết, trước đây các vết sẹo rỗ trên một số xác ướp Ai Cập có niên đại 3.000 đến 4.000 năm thường được giải thích như dấu vết của bệnh đậu mùa.

“Khám phá mới thật sự đã đặt những kết quả nghiên cứu đó vào nghi vấn, và đưa ra giả thuyết rằng mốc thời gian bệnh đậu mùa xuất hiện ở người có thể chưa chính xác”.

Nghiên cứu thực hiện trên xác ướp một đứa trẻ khoảng hai đến bốn tuổi được tìm thấy vào năm 2015 trong hầm mộ một nhà thờ ở Vilnius (Lithuania). Với phương pháp định tuổi bằng các-bon phóng xạ, các nhà nghiên cứu xác định niên đại xác ướp vào khoảng năm 1643 và 1665, thời điểm nhiều người châu Âu và châu Á ở độ tuổi trưởng thành bị nhiễm bệnh đậu mùa. Không có dấu hiệu trực quan nào chứng tỏ xác ướp mắc bệnh này nhưng các nhà nghiên cứu đã thu được bộ gene hoàn chỉnh của virus variola được truyền thừa ở tất cả các dòng virus đậu mùa xuất hiện trong thế kỷ 20. Đây là phiên bản cổ xưa nhất của một virus được phát hiện, nó cũng chứng tỏ việc tạo ra sẹo không phải là dấu hiệu chắc chắn của bệnh đậu mùa.

Các nhà khoa học đã so sánh DNA của virus lấy từ xác ướp với các phiên bản virus đậu mùa từ giữa những năm 1900 đến trước thời điểm bệnh đậu bị thanh toán vào những năm 1970 nhờ chương trình tiêm chủng thành công trên toàn cầu.

Bằng các kỹ thuật, kể cả kỹ thuật “đồng hồ sinh học phân tử”, họ nhận thấy các mẫu có cùng một gốc virus xuất hiện trong khoảng từ năm 1588 đến năm 1645, trùng với thời điểm diễn ra các cuộc thám hiểm, di cư và quá trình thực dân hóa trên thế giới, những điều kiện làm lây lan bệnh đậu mùa.

“Như vậy, giờ đây chúng ta đã có một mốc thời gian [mới], chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng liệu các bằng chứng được ghi nhận trước đó về bệnh đậu mùa, từ thời Ramses V [cách đây 2.000 năm] đến những năm 1950 là có thật hay không”, đồng tác giả Henrik Poinar, giám đốc Trung tâm nghiên cứu DNA cổ đại tại ĐH McMaster, nói. “Đó có thật sự là những trường hợp mắc bệnh đậu mùa, hay chúng ta đã nhầm lẫn – điều này rất dễ xảy ra bởi [các dấu hiệu của] nó dễ bị nhầm với bệnh thủy đậu và bệnh sởi”.

Các nhà nghiên cứu đang chờ đợi so sánh mẫu từ xác ướp ở Lithuania với mẫu từ những nạn nhân của dịch bệnh đậu mùa tại châu Âu cùng thời kỳ.

Virus Variola có khả năng gây ra bệnh đậu mùa đã được tìm thấy trên tất cả các lục địa có người sinh sống, trừ Australia. Ở châu Âu, nó gây ra cái chết của hàng nghìn người mỗi năm. Vào thế kỷ 18, nhà vật lý Edward Jenner (Anh) đã tìm ra vaccine đậu mùa, loại vaccine đầu tiên trên thế giới. Căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao này đã bị xóa sổ vào những năm 1970 và virus đậu mùa giờ chỉ còn tồn tại dưới dạng nitơ lỏng trong lọ thủy tinh được cất giữ an toàn tại hai phòng thí nghiệm ở Nga và Mỹ để phục vụ công tác nghiên cứu.

Cách đây hai năm, vấn đề tiêu hủy các mẫu này đã được đặt ra. TS. Inger Damin, giám đốc Trung tâm Liên kết về bệnh đậu mùa tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Atlanta, Georgia (Mỹ), là một trong những người đề nghị tiếp tục lưu trữ các mẫu virus đậu mùa vì theo ông, vẫn còn nhiều điều cần nghiên cứu về căn bệnh này.

Theo Tiasang