Khám phá giấc ngủ độc đáo của các loài động vật
(Dân trí) - Mỗi loài vật lại có thói quen ngủ khác nhau vì chúng sống trong điều kiện môi trường khác nhau.
Vừa ăn vừa ngủ
Để vượt qua mùa đông dài và lạnh giá ở Bắc Cực, tuần lộc có cơ chế ngủ độc đáo mà ít loài có được: Chúng có thể vừa ngủ và vừa nạp năng lượng qua việc ăn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi mùa đông đến, tuần lộc dành khoảng 5 giờ cho giấc ngủ thông thường, khoảng 1 giờ cho giấc ngủ REM (hay giấc ngủ mắt chuyển động nhanh), và 3 giờ vừa ngủ vừa nhai lại thức ăn.
Khả năng đa nhiệm này cho phép tuần lộc vừa chiết xuất dinh dưỡng từ thức ăn, đồng thời tiết kiệm năng lượng để sống sót qua mùa đông lạnh giá.
Ngủ khi đang hoạt động
Hầu hết các loài chim dành phần lớn cuộc đời để di chuyển, săn mồi và di cư. Vì điều này, các nhà khoa học tin rằng một số loài chim có thể "chợp mắt" khi chúng đang bay trên bầu trời.
Trên thực tế, một số loài chim đã được quan sát thấy trên bầu trời tới 6 tháng, nghĩa là chúng phải ăn, ngủ và uống trong khi đang bay.
Tương tự, cá mập, cá heo và nhiều loài cá khác cũng ngủ khi chúng đang di chuyển theo dòng nước. Để làm điều này, chúng thường bơi tới nơi có dòng chảy mạnh, và để nước chảy qua mang.
Khi đó, nước sẽ tạo ra lực đẩy, giúp chúng tiến chậm về phía trước mà không bị chìm xuống.
Ngủ mở mắt
Một số loài không có mí mắt để nhắm, do vậy chúng phải mở mắt khi đang ngủ. Điển hình là rắn.
Để bảo vệ mắt và ngăn chúng không bị khô, mắt rắn được bao phủ bởi các màng trong suốt.
Một số loài như thỏ hay đà điểu lại có thói quen mở mắt khi ngủ. Đây là cơ chế phòng vệ tự nhiên, khiến các loài săn mồi khó nhận biết rằng chúng đã ngủ hay chưa.
Ngủ theo số đông
Một số loài vật thích tìm một nơi nào đó trống trải, yên tĩnh, và đơn độc để ngủ. Tuy nhiên, số khác lại chọn ngủ cùng nhau vì điều này khiến chúng ấm áp vào mùa đông, và an toàn trước các mối nguy hiểm.
Trong đó, dễ thấy nhất là loài chó thường thích quấn vào nhau để ngủ, hoặc rúc vào gần chủ nhân.
Các loài ăn cỏ như trâu, bò, linh dương... cũng chọn cách ngủ theo đàn lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm cá thể để phòng thủ trước sự tấn công của thú săn mồi.
Rái cá thì ôm lấy nhau ngủ để tránh bị trôi theo dòng nước. Đôi khi, chúng cũng quấn mình trong đám tảo hoặc rong biển vì lý do này.
Ngủ gần hết cả ngày
Gấu koala có giấc ngủ trung bình mỗi ngày từ 18 đến 22 tiếng. Điều này khiến chúng trở thành loài động vật ngủ nhiều nhất trên thế giới.
Lý do loài vật này cần ngủ nhiều đến vậy là bởi chế độ ăn uống của chúng chỉ gồm lá cây bạch đàn và rất thiếu chất dinh dưỡng.
Để duy trì năng lượng, chúng tiến hóa để ngủ nhiều hơn, bởi điều này làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể, và chúng ít phải tìm kiếm thức ăn hơn.