Khai thác ngôi sao để “liên lạc” với người ngoài hành tinh

(Dân trí) - Các nhà khoa học đang sử dụng một ngôi sao xa để "vươn ra ngoài" hướng tới người ngoài hành tinh trong nỗ lực tìm kiếm "sự trợ giúp và tư vấn".

Khai thác ngôi sao để “liên lạc” với người ngoài hành tinh - 1

Là một phần của Lễ hội Sonar năm 2018 ở Tây Ban Nha, các nhà khoa học đã gửi một thông điệp cách Trái đất 12 năm ánh sáng về phía ngôi sao Luyten mà người ngoài hành tinh có thể nghe được trong 12 năm.

Giám đốc Lễ hội, ông Richard Robles nói: "Cuộc gọi Sonar GJ273b phát sinh từ nhu cầu bẩm sinh của con người là giao tiếp và kết nối. Đó cũng là nỗ lực để tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi đặt ra qua các nền văn minh trong lịch sử: Chúng ta có đơn độc trong vũ trụ không?

"Do ảnh hưởng tiêu cực của nhân loại lên hành tinh của chúng ta ngày càng lớn, có lẽ đây là thời điểm tốt nhất để tìm ra trí thông minh vượt trội ngoài trái đất, nhờ sự giúp đỡ và tư vấn."

Nếu người ngoài hành tinh sẵn sàng trả lời thư, một phản hồi có thể được nghe ngay từ năm 2042.

Có hai hành tinh quay quanh ngôi sao của Luyten - một trong số đó được cho là có thể sinh sống.

Ông Douglas Vakoch, chủ tịch của tổ chức Gửi tin nhắn cho Trí thông minh ngoài trái đất (METI), nói thêm: "Với tôi, thành công lớn của dự án sẽ đến nếu, 25 năm sau, có ai đó nhớ để tìm kiếm câu trả lời. Nếu chúng ta có thể đạt được điều đó, đó sẽ là một sự chuyển đổi cơ bản về quan điểm".

Gửi tin nhắn vào không gian bên ngoài là điều mà những bộ óc vĩ đại như Steven Hawking đã cảnh báo. Nhà vật lí này đã tuyên bố trước đó rằng nếu người ngoài hành tinh nhận được thông điệp, con người nên "cảnh giác" khi gửi thư trả lời.

Tuy nhiên, ông Vakoch đã bác bỏ những lo ngại rằng việc gửi tin nhắn cho người ngoài hành tinh có thể gây hậu quả nguy hiểm. Ông tuyên bố: "Thật khó để tưởng tượng được một kịch bản trong đó một nền văn minh quanh ngôi sao của Luyten có thể có khả năng đến Trái đất và đe dọa chúng ta, và họ chưa thể tiếp nhận bức xạ rò rỉ của chúng ta".

Khi Trái Đất đang chờ đón trả lời từ những người ngoài hành tinh xung quanh ngôi sao của Luyten, Trung Quốc tin rằng họ sẽ là người đầu tiên liên lạc với cuộc sống ngoài hành tinh nhờ vào chiếc Kính thiên văn lớn nhất thế giới, có thể phát hiện tín hiệu từ những phần sâu nhất của vũ trụ.

Đào Hiền (Theo Expess)