Khai quật thi thể 600 năm chưa phân hủy, kết quả giám định gây bất ngờ
Các nhà khảo cổ Trung Quốc từng hết sức bất ngờ khi phát hiện một thi thể người đàn ông còn nguyên vẹn trong ngôi mộ có niên đại thời nhà Nguyên.
Xung quanh môi trường sống tồn tại vô số các loại vi khuẩn. Khi con người còn sống khỏe mạnh, hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân từ bên ngoài. Khi con người chết đi, vi khuẩn kết hợp với yếu tố thuận lợi như không khí, độ ẩm khiến xác người chết dần phân hủy, cho đến khi chỉ còn lại bộ xương.
Theo quan niệm của người xưa ở Trung Quốc, chết không phải là hết, mà là bắt đầu cho một cuộc sống mới. Để giúp người chết có thể sang thế giới bên kia, người xưa tìm hiểu về cách thức giúp làm chậm hoặc ngăn xác chết phân hủy.
Trang mạng Sohu của Trung Quốc gần đây đăng tải một phát hiện khảo cổ gây kinh ngạc từ cách đây khoảng 40 năm. Vào những năm 1980, người dân làng ở Hồ Nam, Trung Quốc đang trồng rau ngoài đồng thì đào phải một ngôi mộ cổ.
Sau khi tin tức về phát hiện mới được lan truyền, một nhóm các nhà khảo cổ có mặt tại khu vực để nghiên cứu.
Tìm hiểu sâu hơn về ngôi mộ, các nhà khảo cổ phát hiện có hai thi thể người được chôn cùng nhau. Một bị phân hủy hoàn toàn chỉ còn xương, một vẫn còn khá nguyên vẹn như vừa mới qua đời.
Điều này khiến các nhà khảo cổ Trung Quốc hết sức bất ngờ. Họ đưa thi thể tới phòng thí nghiệm để nghiên cứu và phân tích.
Kết quả cho thấy hai thi thể chôn cùng nhau là một cặp vợ chồng, sống ở thời nhà Nguyên, cách đây khoảng 600 năm.
Sở dĩ thi thể người chồng vẫn còn tương đối nguyên vẹn là vì người xưa đã tiêm một lượng lớn kim loại nặng vào cơ thể, giúp ngăn phân hủy.
Các nhà khảo cổ kết luận rằng đây là một phương pháp khác của người xưa ngăn quá trình phân hủy, giúp người chết có thể sang thế giới bên kia.
Trước đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện nhiều phương pháp khác nhau để đảm bảo sự nguyên vẹn của thi hài, bao gồm dùng chất khử trùng hay làm lạnh bằng cách ngâm dưới băng, ngăn vi khuẩn hoạt động mạnh, theo Sohu.