Khai quật đồng xu Trung Quốc thời Trung cổ ở… Vương quốc Anh

Trang Phạm

(Dân trí) - Một đồng xu Trung Quốc phát hành trong thời Trung cổ đã được phát hiện ở Vương quốc Anh.

Điều này khiến các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên vì không rõ bằng cách nào mà sản phẩm của Trung Quốc thời trung cổ này lại ở miền nam nước Anh.

Khai quật đồng xu Trung Quốc thời Trung cổ ở… Vương quốc Anh - 1

Đồng xu hợp kim đồng 25mm được xác định có từ triều đại nhà Tống và được phát hành lần đầu tiên từ năm 1008 đến năm 1016 sau Công Nguyên dưới triều đại của Hoàng đế Tống Chân Tông. Đồng xu chỉ được khắc ở một mặt, có hình tròn và một lỗ hình vuông ở giữa, cho phép các đồng xu được xâu chuỗi lại với nhau.

Bất thường nhất đó là nó đã được khai quật tại Buriton ở Hampshire, khoảng 14 km từ bờ biển phía nam của Vương quốc Anh.

Tiến sĩ Caitlin Green, một nhà sử học tại Đại học Cambridge ở Anh, đã viết một bài đăng trên blog mô tả khám phá này và lập luận rằng đồng xu có khả năng không bị rơi bởi một nhà sưu tập thời hiện đại.

Đầu tiên, đồng xu được phát hiện trong một cánh đồng chứa đầy các hiện vật thời Trung cổ, bao gồm đồng xu của Vua John được đúc tại London vào năm 1205-7, một đồng xu bị cắt có niên đại từ năm 1180 đến năm 1247, mảnh vỡ của các kim khí thời trung cổ hoặc hậu trung cổ, hai đồng tiền thế kỷ XVI.

Hơn nữa, các nhà khảo cổ học trước đây đã phát hiện ra một đồng xu khác của triều đại Bắc Tống ở Anh. Đồng xu mới được phát hiện cũng được tìm thấy ở cùng khu vực với đồ gốm Trung Quốc nhập khẩu thời trung cổ duy nhất được xác nhận từ thế kỷ XIV.

Vì nó tương đối gần với bờ biển, không quá sức tưởng tượng để tin rằng khu vực này có một số mối quan hệ chặt chẽ với các tuyến vận tải toàn cầu.

Cũng cần lưu ý rằng các đồ tạo tác của Trung Quốc đã được tìm thấy trên nhiều nơi trên thế giới, cụ thể là dọc theo đường bờ biển của Ấn Độ, bán đảo Ả Rập, Đông Phi và Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, có bằng chứng về việc châu Âu và Trung Quốc hòa nhập xa hơn nhiều so với điều này. Ví dụ, người ta thường biết rằng những người La Mã giàu rất thích lụa từ thời Hán của Trung Quốc. Con đường tơ lụa nổi tiếng cũng là một mạng lưới các tuyến đường thương mại kết nối hàng hóa.