1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Kem đánh răng chứa than có làm trắng răng không?

(Dân trí) - Nhiều người muốn có nụ cười tươi tắn với hàm răng trắng bóng đã tìm đến các loại kem đánh răng chứa than vì cho rằng đây là nguyên liệu “thiên nhiên” và được sử dụng từ lâu đời.

Kem đánh răng chứa than có làm trắng răng không? - 1

Kem đánh răng này có giúp bạn có nụ cười tỏa nắng không?

Nhưng loại kem đánh răng này có thực sự làm trắng răng được không, và nó có an toàn không?

Câu trả lời là vừa có vừa không. Bác sĩ John Brooks, giáo sư khoa Ung thư học và Khoa học chẩn đoán của Trường đại học Maryland, Mỹ, cho biết kem đánh răng chứa than có thể làm răng trắng hơn một chút nhưng không phải là cách làm trắng răng tốt nhất và cũng không phải là cách an toàn nhất.

Theo một nghiên cứu năm 1992 được đăng trên tập san Nha khoa nước Anh, ông tổ ngành y Hippocrates đã khuyên người dân Hy Lạp muốn có hàm răng trắng thì đánh răng bằng than. Một bài báo trên tập san của Hiệp hội Nha khoa Mỹ năm 2017 cũng cho biết các nhà sản xuất nước này đã cho ra sản phẩm kẹo cao su và bột đánh răng làm sạch và làm trắng răng.

Ngày nay, người tiêu dùng có thể mua được chỉ nha khoa, kem đánh răng, nước súc miệng và thậm chí cả bàn chải răng có than hoạt tính được quảng cáo là có tác dụng làm trắng răng. 

Than hoạt tính vốn được sử dụng trong phương pháp điều trị một số trường hợp nhiễm độc và sử dụng thuốc quá liều cấp tính. Thông thường, than được làm từ các nguyên liệu như than bùn, than đá và gỗ, nhưng để tạo ra than hoạt tính thì cần có thêm bước xử lý là nung nóng than bằng một loại khí. Quá trình xử lý này làm cho than trở nên xốp, nhờ các lỗ xốp đó than hoạt tính thu nạp được các hóa chất độc hại.

Nhiều nhà sản xuất nói rằng những lỗ xốp li ti này trong than hoạt tính còn có tác dụng “giải độc” cho khoang miệng và tẩy các vết ố trên răng. Năm 2017, một bài đánh giá các loại kem đánh răng chứa than đăng trên tập san của Hiệp hội Nha khoa Mỹ cho biết 96% các loại kem đánh răng này có tác dụng làm trắng răng và 46% là nói quá lên về tác dụng “giải độc” cho răng.

Có một vấn đề là không có định nghĩa khoa học nào nói thế nào giải độc cho một thứ gì đó, hay ít nhất thế nào là giải độc cho khoang miệng. Và những quảng cáo của các công ty đều không có bằng chứng thuyết phục. Theo giáo sư Brooks, điều đáng lưu ý hơn là độ an toàn và khả năng gây độc của các sản phẩm chăm sóc răng miệng có chứa than này chưa hề được kiểm nghiệm. 

Giáo sư cho biết các chuyên gia lo ngại rằng những sản phẩm này có thể có hại cho răng. Trong một nghiên cứu năm 2019 đã đăng trên tập san Khoa học răng miệng ứng dụng, các nhà nghiên cứu tiến hành thí nghiệm làm ố răng của 90 con bò bằng nước chè đen, sau đó cho chúng dùng một số sản phẩm làm trắng răng để xem sản phẩm nào có tác dụng nhất.

Mặc dù sản phẩm có than hoạt tính không có tác dụng nhất (mà là covarine xanh, một chất làm trắng răng bằng cách trám một lớp màng lên men răng làm cho răng tức thời có màu trắng) nhưng sau 4 tuần thì kem đánh răng có than phát huy tác dụng. 

Mặc dù vậy, một nghiên cứu nhỏ này không đủ làm bằng chứng chứng minh than là sản phẩm nha khoa hiệu quả hoặc an toàn. Trên thực tế, giáo sư Brooks và nhiều bác sĩ khác lo ngại rằng các hạt nhám trong than làm trắng răng bằng cách bào mòn một lớp mỏng của men răng, đây là lớp bề mặt cứng bên ngoài của răng giúp bảo vệ răng khỏi bị sâu. Khi lớp bề mặt này bị mài mòn, răng bị yếu đi và dễ bị ố vàng hơn. 

Giáo sư Brooks và các đồng nghiệp ở Trường đại học Maryland cũng kiểm tra các loại nước súc miệng có chứa than. Trong một nghiên cứu năm 2020 đăng trên tập san Nha khoa nước Anh, họ kiểm tra các hạt than bằng kính hiển vi điện tử và nhận thấy các hạt này rất sắc nhọn, “nó giống như súc miệng bằng đá vậy” – ông nói.

Ông cũng cảnh báo rằng than có chứa ít nhất 4 hydrocarbon mà chính phủ liên bang Mỹ coi là tác nhân gây ung thư. Đã có bằng chứng dịch tễ học cho thấy thịt nướng bằng than có liên quan đến một số loại ung thư. Một phần ba các sản phẩm kem đánh răng chứa than cũng có cả bentonite clay (đất sét trắng), đây cũng có thể là một tác nhân gây ung thư. Nếu ai đó dùng các sản phẩm này nhiều hơn khuyến cáo với hy vọng có được nụ cười trắng sáng thì có thể gặp rủi ro phơi nhiễm với chất độc hại.

Vậy thì làm thế nào để vừa có răng trắng đẹp vừa an toàn?

Theo giáo sư Brooks, các cách làm trắng răng do chuyên gia chỉ định, trong đó có sử dụng peroxide là lựa chọn tốt hơn so với sản phẩm chứa than. Nhưng ngay cả những sản phẩm này cũng không phải là vô hại. Sau khi áp dụng biện pháp làm trắng răng, người dùng có thể gặp chứng răng nhạy cảm tạm thời hoặc viêm tấy nướu răng.

Như vậy, thay vì tìm đến các cách làm trắng răng để tránh các tác dụng phụ của sản phẩm làm trắng thì tốt hơn mọi người nên tránh ăn và uống những thứ làm xỉn màu răng, ví dụ như vang đỏ, thuốc lá và cà phê.

Phạm Hường 

Theo Live Science