Kế hoạch xây dựng căn cứ Mặt Trăng của Trung Quốc
(Dân trí) - Giai đoạn đầu tiên của căn cứ Mặt Trăng sẽ được Trung Quốc hoàn thành vào năm 2035. Sau đó, mô hình mở rộng sẽ tiếp tục được xây dựng vào năm 2050 theo đúng kế hoạch.
Cơ quan Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) mới đây tiết lộ kế hoạch xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng sẽ được triển khai theo hai giai đoạn riêng biệt.
Theo Wu Yanhua, nhà thiết kế chính của dự án thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc, giai đoạn đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2035 tại vị trí gần cực nam Mặt Trăng.
Một mô hình mở rộng tiếp theo, tạm gọi là giai đoạn 2, sẽ được triển khai vào khoảng năm 2050.
Mục tiêu của kế hoạch này là tạo ra một loạt các "giao lộ" trên bề mặt Mặt Trăng, với trạm chính được xây dựng năm 2035 là trung tâm. Các trạm vệ tinh dự kiến sẽ được triển khai ở trên đường xích đạo, cũng như ở nửa xa của Mặt Trăng.
Toàn bộ cơ sở hạ tầng sẽ sử dụng năng lượng Mặt Trời để hoạt động. Bên cạnh đó, một phần sẽ hoạt động bởi điện hạt nhân, với đồng vị phóng xạ và các máy phát điện hạt nhân được xây dựng trong tương lai.
Phần mở rộng tiếp theo sẽ là mạng lưới liên lạc tốc độ cao trên bề mặt Mặt Trăng, gồm các phương tiện di chuyển tầm xa không người lái, xe tự hành có người lái và không có người lái. Đây là yếu tố cốt lõi để cơ sở đi vào hoạt động có hiệu quả.
Lộ trình ban đầu cho Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS) do Trung Quốc và Nga hợp tác triển khai, từng được công bố vào tháng 6/2021. Hai quốc gia này dự kiến sẽ xây dựng một căn cứ cơ bản trên Mặt Trăng bằng robot thông qua 5 lần phóng tên lửa siêu nặng từ năm 2030-2035.
Tuy nhiên, những cập nhật mới đây về sứ mệnh cho thấy một tầm vóc lớn hơn, cũng như sự tiến bộ hơn về mặt công nghệ khi đưa ra các cột mốc cụ thể đầy tham vọng.
Đáng chú ý, Trung Quốc cũng tuyên bố rằng mô hình ILRS mở rộng sẽ giúp đặt nền móng cho các cuộc đổ bộ có người lái lên Sao Hỏa trong tương lai.