1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Kế hoạch điên rồ "đánh bắt" thiên thạch chìm dưới đáy đại dương

Minh Khôi

(Dân trí) - Các nhà thiên văn dự định trục vớt một khối thiên thạch từng rơi xuống Trái Đất năm 2014 bằng cách sử dụng một nam châm khổng lồ.

Kế hoạch điên rồ đánh bắt thiên thạch chìm dưới đáy đại dương - 1

Hình minh họa một tiểu hành tinh đang lao về phía Trái Đất. (Ảnh: Getty Images).

Một kế hoạch táo bạo vừa được các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard đưa ra, nhằm trục vớt một thiên thạch nhỏ chìm dưới biển Thái Bình Dương.

Theo các kế hoạch ban đầu, dự án mang tên Galileo sẽ thực hiện phi vụ thám hiểm ước tính trị giá 1,6 triệu USD, với nhiệm vụ chính là sử dụng một nam châm cỡ lớn để "hút" thiên thạch từ đáy biển.

Sở dĩ có thể làm được điều này, là bởi cấu trúc của thiên thạch chứa đủ lượng sắt để chúng bị hút bởi nam châm. Trong trường hợp thiên thạch bị vỡ vụn do lực tác động với bề mặt, các nhà khoa học cũng hy vọng rằng nam châm có thể thu hồi cách mảnh vỡ từ độ sâu khoảng 1,7 km.

Được biết, thiên thạch có mã danh CNEOS 2014-01-08 xuất phát từ một hệ sao khác, đã lao xuống Trái Đất ngày 8/1/2014 với nguồn năng lượng tương đương khoảng 121 tấn thuốc nổ TNT.

Amir Siraj, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Harvard đã xác định nguồn gốc của thiên thạch, cũng như toàn bộ quá trình va chạm với bề mặt Trái Đất trong một nghiên cứu năm 2019, nhưng phải đến tháng 5/2022, nó mới được Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ xác nhận.

Kế hoạch điên rồ đánh bắt thiên thạch chìm dưới đáy đại dương - 2

Thiên thạch chìm dưới đại dương được cho là nằm cách Đảo Manus (đánh dấu màu đỏ) khoảng 300 km về phía Bắc của Biển Bismarck, Tây Nam Thái Bình Dương (Ảnh: Google Maps).

Siraj cho rằng CNEOS 2014-01-08 đến từ một hệ sao khác vì nó từng di chuyển với tốc độ 60 km/giây. Theo lập luận của các nhà nghiên cứu, vận tốc này là quá nhanh so với một thiên thạch chịu ràng buộc bởi lực hấp dẫn của Mặt Trời, đồng nghĩa với việc nó đến từ một hệ sao khác.

"CNEOS 2014-01-08 rõ ràng đã vượt quá giới hạn tốc độ cục bộ đối với các vật thể bị ràng buộc, và nó không giao nhau với bất kỳ hành tinh nào khác trên đường đi. Vì thế, nó nhiều khả năng có nguồn gốc từ bên ngoài Hệ mặt trời", Siraj cho biết.

Điểm mấu chốt đó là vẫn chưa biết khi nào các nhà thiên văn có thể thực hiện chuyến thám hiểm táo bạo của họ. Tính đến nay, dự án Galileo đã quyên góp được 500.000 USD từ các tổ chức khoa học, và vẫn còn cần thêm khoảng 1,1 triệu USD trước khi biến nó thành hiện thực.

Theo www.livescience.com