James Webb "xuyên thủng" vũ trụ, chụp lại sắc nét vườn ươm sao khổng lồ

Đoàn Trung Nam

(Dân trí) - Kính viễn vọng James-Webb đã chụp lại rõ nét hình ảnh các cột bụi khí khổng lồ, lộ ra nhiều ngôi sao mới đang hình thành trong chính thiên hà của chúng ta.

James Webb xuyên thủng vũ trụ, chụp lại sắc nét vườn ươm sao khổng lồ - 1
Vườn ươm sao khổng lồ được kính thiên văn James-Webb chụp lại vào ngày 19/10/2022 (Ảnh: AFP).

Nhờ camera hồng ngoại NIRcam - hoạt động dựa trên một bước sóng ngắn mà mắt người không nhìn thấy được. Kính thiên văn James-Webb đã xuyên qua các lớp khí bụi mờ, xâm nhập vào trong các cột hình trụ. Đây là một cấu trúc khổng lồ của khí và bụi với vô vàn những ngôi sao đang hình thành.

Hình ảnh cho chúng ta thấy có hàng ngàn ngôi sao đang lấp lánh trong vũ trụ, bên cạnh những cột màu nâu và cam.

Theo các nhà khoa học, vùng có màu đỏ đậm, ở phần cuối hình ảnh trên giống như dung nham, được giải phóng từ những ngôi sao đang phát triển, có tuổi đời chỉ khoảng vài trăm nghìn năm tuổi.

"Những ngôi sao trẻ này bắn ra các phản lực siêu thanh va chạm với các đám mây vật chất, giống như những cột trụ dày, tạo ra hiệu ứng trên", Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ, NASA cho biết.

James Webb xuyên thủng vũ trụ, chụp lại sắc nét vườn ươm sao khổng lồ - 2
Các cột bụi khí này nằm cách chúng ta khoảng 6.500 năm ánh sáng, trong chính thiên hà Milky Way - chứa Trái Đất. Cụ thể, chúng được tìm thấy trong Tinh vân Đại bàng, phát hiện lần đầu tiên vào năm 1995 bởi kính Hubble.

Đáng chú ý, nhờ các thiết bị camera tân tiến nhất được trang bị trên kính thiên văn James-Webb, giờ đây chúng ta có thể phá vỡ độ mờ của vũ trụ và chứng kiến rõ nét vườn ươm sao khổng lồ này.

Hình ảnh trên có diện tích khoảng 8 năm ánh sáng. Theo NASA, nó sẽ giúp các nhà nghiên cứu sửa đổi mô hình hình thành sao của họ, xác định số lượng chính xác hơn các ngôi sao mới hình thành, cũng như lượng khí và bụi trong khu vực này.

Kính thiên văn James-Webb là kính thiên văn mạnh mẽ và đắt nhất mà con người từng chế tạo, nó có giá trị lên tới 10 tỷ USD, và được các nhà khoa học đưa vào hoạt động trong không gian cách Trái Đất 1,5 triệu km.

Một trong những sứ mệnh chính của nó là nghiên cứu vòng đời của các ngôi sao, đồng thời quan sát các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời. Và hình ảnh mới đây, sẽ cung cấp những thông tin quan trọng giúp các nhà khoa học hiểu thêm về sao trẻ, tiến tới tìm kiếm những hành tinh có sự sống ngoài Trái Đất.