Kính viễn vọng James Webb hé lộ vườn ươm sao lớn trong tinh vân Orion
(Dân trí) - Kính viễn vọng James Webb đã chụp lại được những hình ảnh chi tiết chưa từng có trong Tinh vân Orion với một vườn ươm sao lớn, gần với Dải Ngân Hà chúng ta.
Kể từ khi phóng lên quỹ đạo vào ngày 25/12/2021, kính thiên văn James Webb là kính không gian mạnh mẽ, tốn kém và phức tạp nhất từng được con người chế tạo. James Webb mang một sứ mệnh vô cùng lớn, quan sát những thiên thể ở xa nhất trong vũ trụ, vượt ra phạm vi khả năng của các kính thiên văn trước đây với hy vọng tìm kiếm một hành tinh có sự sống.
Những bức ảnh đầu tiên mà James Webb mang lại đã gây nhiều bất ngờ, sửng sốt đối với các nhà khoa học và công chúng như bức ảnh trường sâu đầu tiên của vũ trụ, "vách đá vũ trụ" trong tinh vân Carina, hay Bộ tứ Thiên hà Stephan's Quintet,... mang lại những thông tin hoàn toàn mới về vũ trụ mà chúng ta đang khám phá.
Mới đây, kính thiên văn này đã quan sát và cung cấp những hình ảnh về tinh vân Orion gần Dải Ngân Hà của chúng ta.
Tinh vân Orion, còn được gọi là Messier 42, đây là một tinh vân luôn luôn hấp dẫn những nhà thiên văn học. Đặc biệt, nó có thể nhìn thấy từ Trái Đất bằng mắt thường hay nhờ thiết bị hỗ trợ như ống nhòm.
Orion là tinh vân sáng nhất trên bầu trời và là vườn ươm sao khổng lồ gần chúng ta nhất, khoảng 1.350 tuổi. Nó sở hữu một môi trường tương tự như Hệ Mặt Trời chúng ta được sinh ra cách đây khoảng 4,6 tỷ năm trước.
Nhưng hình ảnh mà kính viễn vọng James Webb mới chụp được gần đây sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn những điều kiện ban đầu dẫn đến sự hình thành Mặt Trời và hành tinh trong nó.
Phân tích những dữ liệu do James Webb cung cấp về tinh vân Orion, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, lõi của tinh vân chứa nhiều bụi, đây là một yếu tố đã cản trở việc quan sát nó trước đây, ngay cả những kiến thiên văn rất mạnh như Hubble cũng không thể "xâm nhập" sâu vào bên trong tinh vân này.
Song kính thiên văn James Webb với các thiết bị quang học hồng ngoại, hoàn toàn có khả năng nhìn xuyên qua màn bụi này để quan sát những chi tiết với độ chính xác chưa từng có.
Các hệ hành tinh đang hình thành
Trong quá trình quan sát tinh vân Orion, kính thiên văn James Webb đã phát hiện ra những sợi vật chất dài và dày đặc kéo dài hơn 40 AU (AU: đơn vị thiên văn, 1 AU = khoảng cách Trái Đất - Mặt Trời).
Đặc biệt, những sợi vật chất này cũng cấp khí và nguyên tố cho các khu vực để hình thành các thế hệ sao mới.
Hình bên dưới do kính thiên văn James Webb chụp lại cho thấy rằng, một ngôi tiềm sao bao gồm một số ngôi sao proto trung tâm được bao quanh bởi một đĩa bụi và khí bên trong, nơi các hành tinh đang hình thành.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn phát hiện ra trong tinh vân Orion có một cụm sao trẻ khổng lồ được gọi là Cụm Trapezium, phát ra một bức xạ cực tím cường độ cao đến mức ảnh hưởng đến môi trường của nó.
Ngoài những phát hiện ban đầu về tinh vân Orion từ những hình ảnh và dữ liệu do James Webb cung cấp, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về sự hình thành của các hệ sao và hành tinh trong tinh vân này.