Hơn 40% dự án khởi nghiệp cả nước hoạt động tại TP.HCM
(Dân trí) - Trong số khoảng 1.800 startup trên cả nước, có khoảng 834 startup đang hoạt động tại TPHCM (chiếm 42%) đã chủ động tham gia vào các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ (KH-CN) TP.HCM trong buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân với lãnh đạo Sở KH-CN TPHCM và gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn thành phố diễn ra vào chiều tối ngày 7/9.
Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết thời gian qua Sở này đã đẩy mạnh thực hiện đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, với cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.
Theo ông Dũng, trong năm 2017, sở đã thành lập 4 ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 4 lĩnh vực trọng điểm gồm: Công nghệ thông tin, Cơ khí – tư động, Chế biến lương thực – thực phẩm, Hóa chất – nhựa – cao. Thông qua đó, 938 dự án khởi nghiệp đã được tư vấn kết nối để giúp phát triển ý tưởng kinh doanh; 3.200 cá nhân và nhóm khởi nghiệp được kết nối với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn; quảng bá trên 300 sản phẩm khởi nghiệp cho cộng đồng…
Không khí khởi nghiệp lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng tại TPHCM. Không gian đổi mới sáng tạo (Saigon Innovation Hub - SIHUB) sau 1 năm ra đời đã trở thành địa chỉ tin cậy trong cộng đồng khởi nghiệp của TP. Ông Dũng cũng chia sẻ thêm, điều đáng mừng trong số khoảng 1.800 startup trên cả nước, có khoảng 834 startup đang hoạt động tại TPHCM (chiếm 42%) đã chủ động tham gia vào các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố. Các startup đánh giá TP.HCM có môi trường thuận lợi để khởi nghiệp.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở KH-CN thành phố cũng nhìn nhận các chỉ số về đổi mới khởi nghiệp của Việt Nam vẫn còn đứng sau nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia; đa số các startup có quy mô nhỏ, nằm ở giai đoạn hạt giống cần hỗ trợ ươm tạo (chưa bước vào giai đoạn gọi vốn), khả năng tăng trưởng đột phá không cao. Đi liền đó là cơ chế chính sách vẫn chưa thực sự tạo ra cú hích mạnh cho hoạt động khởi nghiệp.
Đồng quan điểm, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) cũng nhận định rằng các chính sách hiện chưa theo kịp với sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp.
Còn ông Dương Minh Tâm, Phó trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM thì cho rằng thành phố cần tính toán đến câu chuyện sau ươm tạo bởi thực tế đã có doanh nghiệp hoàn thành ươm tạo, lớn mạnh và cần đất để mở rộng nhà xưởng, nhưng gặp khó do đất đai của hầu hết các vườn ươm rất hạn hẹp và không đủ khả năng đáp ứng.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu lên nhiều vấn đề gợi mở mà các cơ quan Nhà nước lẫn cộng đồng khởi nghiệp quan tâm, đó là: trào lưu khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của lớp trẻ hiện rất mạnh mẽ nhưng tỷ lệ thành công còn thấp (chỉ 5%), làm gì để thu hút, đạo tạo để họ thành công nhiều hơn? Lớp doanh nghiệp thành đạt hiện hữu phải kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như thế nào? Vai trò của các trường đại học trong hỗ trợ, kết nối với các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp ra sao?...
Phát biểu cuối buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị xây dựng cổng thông tin để kết nối, công bố toàn bộ thông tin liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thí điểm hợp tác công tư với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các ban ngành của thành phố ngồi lại với nhau để tìm ra hướng phát triển, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chứ không thể thua các chính sách, môi trường hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Singapore.
Trong khuôn khổ sự kiện, tối cùng ngày diễn ra chương trình “Gặp gỡ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM - một năm nhìn lại” nhằm đánh giá một năm thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM (SIHUB). Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cho hay đây là mô hình nhà nước hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đầu tiên của cả nước dưới hình thức kết nối và chia sẻ nguồn lực. Sau một năm, SIHUB đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể hóa như Chương trình 4181 của UBND TPHCM như đưa chương trình đổi mới sáng tạo STEM (giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đến 486 trường học với hơn 3.300 học sinh và 1.150 giáo viên tham gia; hỗ trợ 11 trường đại học hình thành chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đào tạo khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho 115 giảng viên, hỗ trợ công tác vận hành vườn ươm cho hai trường ĐH.
SIHUB cũng hỗ trợ cộng đồng tổ chức 800 sự kiện kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với hơn 17.000 lượt người tham gia; tổ chức kết nối 2.000 nhóm khởi nghiệp (startup) với các nhà cố vấn, đầu tư; kết nối và hợp tác với hơn 50 tổ chức quốc tế để liên kết ươm tạo và triển khai các chương trình hỗ trợ cho cộng động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố.
Lê Phương – Hoài Nam