Hơn 2 thập kỷ loài hổ "biến mất" ở Việt Nam trong tự nhiên

Minh Khôi

(Dân trí) - Nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, đốt rừng để phát triển nông nghiệp, kết hợp với săn bắn trái phép đã khiến hổ mất môi trường sống nghiêm trọng, và dần biến mất trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam.

Hơn 2 thập kỷ loài hổ biến mất ở Việt Nam trong tự nhiên - 1

Sau khi nhận được trình báo có hổ xuất hiện tại khu vực rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, cơ quan chức năng đã kiểm tra, đồng thời đặt bẫy ảnh để xác minh. Thời gian cho kết quả khoảng 2 tháng tính từ thời điểm đặt bẫy ảnh.

Việc triển khai bẫy ảnh được thực hiện sau khi có trình báo từ người dân về việc gặp một con thú lớn, nghi là hổ xuất hiện ở khu vực rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng, gần km24 trên đường 20 Quyết Thắng.

Từ xa xưa, cha ông ta đã dành cho hổ vị trí linh thiêng, được tôn thờ. Qua những di vật khảo cổ, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình tượng hổ được điêu khắc trên tượng đá, hình tượng hổ trên binh khí, trên thạp đồng hay trong những bức tranh thờ nổi tiếng.

Điều này cho thấy hổ đã gắn liền với văn hóa của người Việt trong suốt hàng nghìn năm, và có ý nghĩa không thể thay thế.

Sở hữu khí hậu nhiệt đới ẩm, kết hợp cùng điều kiện rừng núi hoang sơ, Việt Nam từng ghi nhận có rất nhiều hổ sinh sống trong tự nhiên.

Nhiều tài liệu cho rằng từ thập niên 60 của thế kỷ XX trở về trước, hổ phân bố trải rộng ở khắp các vùng rừng núi, thậm chí cả ở vùng trung du và hải đảo. Những nơi nổi tiếng nhiều hổ như Ba Chẽ (Quảng Ninh), Quản Bạ (Hà Giang), Dốc Cun (Hòa Bình), Mường Nhé (Lai Châu), Ba Rền, U Bò, Trúc (Quảng Bình), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phú Yên, Khánh Hòa, K'Bang (Gia Lai), Sa Thầy (Kon Tum)...

Tuy nhiên, nạn khai thác gỗ bất hợp pháp, đốt rừng để phát triển nông nghiệp, kết hợp với săn bắn trái phép đã khiến hổ mất môi trường sống nghiêm trọng.

Loài hổ đã tuyệt chủng tại Việt Nam?

Hơn 2 thập kỷ loài hổ biến mất ở Việt Nam trong tự nhiên - 2

Bức ảnh cuối cùng ghi nhận 1 trong 17 con hổ Đông Dương còn sống ngoài tự nhiên ở Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) vào năm 1998.

Theo số liệu của tổ chức WWF vào năm 2016, Việt Nam có khoảng 5 cá thể hổ trong tự nhiên. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính chất dự đoán, bởi tại thời điểm đó đã không còn ghi nhận bất kỳ hình ảnh nào về loài hổ xuất hiện trong tự nhiên ở Việt Nam. Nhiều tư liệu cho thấy, bức ảnh cuối cùng về loài hổ được ghi nhận ngoài tự nhiên ở Việt Nam đã từ năm 1998, tại Vườn Quốc Gia Pù Mát (Nghệ An).

Như vậy tính đến nay, loài hổ đã "biến mất" trong 24 năm. Rất nhiều người cũng cho rằng loài hổ đã thực sự tuyệt chủng, và không còn sinh sống ở môi trường hoang dã của "dải đất chữ S".

Hơn 2 thập kỷ loài hổ biến mất ở Việt Nam trong tự nhiên - 3

Một trong 7 cá thể hổ đang được chăm sóc tại Phong Nha - Kẻ Bàng.

Một thống kê vào tháng 11/2021 cho biết chỉ còn 3.900 con hổ hoang dã trong tự nhiên trên toàn thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, hổ tập trung đông nhất tại Indonesia (670 cá thể), Thái Lan (221 cá thể), Malaysia (200 cá thể).

Trong khi nhiều quốc gia khác đã đạt được thành công nhất định trong việc gia tăng số lượng hổ hoang dã, thì hoạt động nuôi hổ ở Việt Nam vẫn còn nhiều mặt trái.

Tại một số trang trại đơn lẻ, hổ được nuôi nhốt và không hề đóng góp cho quá trình bảo vệ, cũng như duy trì giống nòi của chúng. Nguyên nhân là bởi các cá thể hổ khi được nuôi nhốt sẽ hoàn toàn mất đi bản năng hoang dã, tập tính săn mồi, và đặc biệt là quá quen với con người.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm ban hành một chính sách chuyên biệt với hoạt động nuôi nhốt hổ, trong đó có quy định kiểm soát sinh sản đối với hoạt động nuôi nhốt nhằm đảm bảo duy trì số lượng hổ chỉ ở mức hỗ trợ cho công tác bảo tồn.

Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng các cơ chế giám sát để đảm bảo các cơ sở không tham gia vào bất kỳ hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép nào.

Bẫy ảnh là công cụ nghiên cứu và giám sát động vật hoang dã, là công cụ quan trọng trong chiến dịch bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Bẫy ảnh sẽ thu thập, lưu lại được những hình ảnh mới lạ về các loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng. Những người yêu thích thiên nhiên hoàn toàn có quyền hy vọng vào kết quả thu nhận được tại bẫy ảnh trong khu vực rừng Phong Nha - Kẻ Bàng vừa qua.