Hoạt động KH&CN đã có nhiều tác động tích cực tới phát triển kinh tế-xã hội
(Dân trí) - Ngày 16/7, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá 15 năm hoạt động KH&CN thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Đại diện Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội (Ban Chủ nhiệm Chương trìnhTây Bắc); Đại học Thái Nguyên; Các đơn vị thuộc Bộ và Sở KH&CN 14 tỉnh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, và 2 huyện phía tây của tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Khoa học Công nghệ giúp nâng cao đời sống người dân trong Vùng
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, hoạt động KH&CN đã có nhiều tác động tích cực tới phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh của Vùng. Khoa học và công nghệ thực sự đã trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển KT-XH, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng của vùng. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của người dân trong Vùng.
“ Việc tổng kết giá 15 năm hoạt động KH&CN thực hiện Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng Báo cáo tổng kết chung, trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Các đề án, chương trình KH&CN cấp quốc gia; các chương trình KH&CN cấp địa phương; các hoạt động xúc tiến thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao KH&CN vào sản xuất phục vụ phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng được thực hiện trong nhiều lĩnh vực từ công nghiệp khai khoáng, chế biến, Nông lâm thủy sản cho tới các ngành dịch vụ khác; từ khoa học tự nhiên đến Khoa học Xã hội và ứng dụng chuyển giao công nghệ.
Một số kết quả nổi bật có thể kể đến như: Đề án “Đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các ngành công nghiệp khai khoáng, bảo quản, chế biến nông lâm sản”, giai đoạn 2010 – 2015 đã thực hiện 69 nhiệm vụ, trong đó, thiết kế chế tạo, thử nghiệm thành công nhiều công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất cho nhiều doanh nghiệp.
Đề án “ Ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển các cây con đặc sản, các sản phẩm chủ yếu”, đã thực hiện 43 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ đã phục tráng được trên 10 giống lúa đặc sản tại địa phương, các giống bản địa có chất lượng cao và phát triển thành sản xuất hàng đặc sản và đang mở rộng để xây dựng thương hiệu và phục vụ xuất khẩu. “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số”, giai đoạn từ năm 2004 đến nay đã tổ chức thực hiện 856 dự án tại 62 tỉnh, thành phố, đã lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, phù hợp, xây dựng.
Một số dự án nổi bật có thể kể đến như: Dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Biofloc của Israel trong nuôi thâm canh cá Rô phi đơn tính, cá Diêu hồng đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao tại Thái Nguyên"; Dự án:"Ứng dụng công nghệ mới trong sấy gỗ rừng trồng tại tỉnh Phú Thọ"; Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất đũa gỗ xuất khẩu tại tỉnh Tuyên Quang”; Dự án: "Xây dựng mô hình ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật nhằm sản xuất cà phê chè bền vững tại tỉnh Sơn La"…
Các sản phẩm của Chương "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" tiếp tục được đẩy mạnh chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học cho các doanh nghiệp để tiến hành thương mại hóa sản phẩm đưa ra thị trường. Đặc biệt về hợp chất mới nhóm terpenoid từ cây đan sâm có tác dụng chống huyết khối, tăng cường tuần hoàn não, đây là lần đầu tiên hợp chất này được phân lập và xác định cấu trúc trên thế giới, là cơ sở quan trọng cho việc phát triển các thuốc...
Đề xuất giải pháp cho giai đoạn mới
Tại Hội nghị, bên cạnh những đánh giá khách quan về thành tựu, kết quả nổi bật đã đạt được, các đại biểu đã tập trung thảo luận nêu rõ những khó khăn, hạn chế qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, từ đó đề xuất những nội dung quan trọng về quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn để đẩy mạnh hoạt động KH&CN Vùng. Các đại biểu cho rằng, cần có cơ chế chính sách liên vùng để tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa lớn; Có định hướng, giải pháp cụ thể trong phát triển thương hiệu vùng; đặc biệt cần Nâng cao vai trò cấp ủy và chính quyền về phát triển KH&CN; Nâng cao hơn nữa vai trò của truyền thông KH&CN...
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thay mặt cơ quan thường trực Đề án, chúc mừng Bộ KH&CN là bộ đầu tiên trong số các bộ được yêu cầu tổng kết, tổ chức Hội nghị tổng kết.
Có thể khẳng định, Nghị quyết 37 và sau đó Kết luận 26 đã thực sự đi vào cuộc sống với những lan tỏa tích cực đến phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh của Vùng nói chung và từng địa phương trong Vùng nói riêng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của hoạt động KH&CN.
Bên cạnh những đóng góp của KH&CN, ông Nguyễn Hồng Sơn cũng đề nghị làm rõ hơn nữa việc làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của Vùng và thu hẹp khoảng cách phát triển của Vùng so với các vùng khác? Đó chính là KH&CN phải là một trong những nhân tố trong vai trò quyết định. Để làm được điều đó cần phải đánh giá đúng vai trò của KH&CN đối với sự phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh của Vùng, đồng thời đưa ra được các mục tiêu cụ thể, gắn với các mục tiêu chung về phát triển KH&CN.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, cần phát huy được tiềm năng và lợi thế trong ứng dụng công nghệ 4.0, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và ứng dụng KHCN, tăng cường liên kết 4 nhà và vai trò của đại học vùng, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu; đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.
Khánh Thanh