Hóa thạch tê giác siêu khổng lồ, lớn hơn cả voi ma mút ở Trung Quốc
Hóa thạch của 2 con tê giác khổng lồ - loài động vật có vú trên cạn lớn nhất từ trước đến nay - có niên đại khoảng 22 triệu năm vừa được khai quật ở Trung Quốc.
Lớn hơn nhiều so với tê giác hiện đại, tê giác khổng lồ cổ đại thường cao hơn 6m và nặng hơn 20 tấn. Chúng còn lớn hơn cả voi ma mút và là loài động vật có vú trên cạn lớn nhất từng tồn tại.
Hóa thạch mới được tìm thấy tại khu vực Lâm Hạ (Linxia) thuộc tỉnh Cam Túc, phía tây bắc Trung Quốc. Một hóa thạch bao gồm hộp sọ, xương hàm, răng và đốt sống atlas - nơi đầu nối với cột sống - trong khi hóa thạch còn lại bao gồm ba đốt sống của con tê giác khổng lồ.
Từ những mảnh hóa thạch này, các nhà khoa học đã phục dựng lại loài tê giác khổng lồ cổ đại. Và họ đã nhận thấy đủ sự khác biệt trong bộ xương của chúng để phân loại chúng thành một loài mới, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Communications Biology.
Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho loài tê giác cổ đại mới là Paraceratherium linxiaense. Trong đó, Paraceratherium là họ chung của các loài tê giác khổng lồ, còn linxiaense là khu vực tìm thấy hóa thạch (Lâm Hạ).
Tao Deng, Giám đốc Viện Cổ sinh vật học và Cổ sinh vật có xương sống tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết, khu vực Lâm Hạ vốn đã nổi tiếng với các hóa thạch kể từ những năm 1950, khi những người nông dân địa phương ở đây lần đầu tiên tìm thấy "xương rồng" được sử dụng để bào chế thuốc đông y.
Nhóm của ông Deng đã tìm kiếm hóa thạch ở Lâm Hạ từ những năm 1980 và phát hiện ra một số bộ xương hoàn chỉnh của một số loài động vật có vú cổ đại. Nhưng trước đây họ chỉ tìm thấy những mảnh vỡ của hóa thạch tê giác khổng lồ, mặc dù những hóa thạch hoàn chỉnh hơn đã được phát hiện ở những nơi khác.
Tuy nhiên, tê giác khổng lồ không có sừng trên mũi, mặc dù chúng là tổ tiên của tê giác hiện đại. Những chiếc sừng mà tê giác hiện đại ngày nay sở hữu là một sự thích nghi với môi trường sống sau này.