Hòa Bình: Phát hiện loài ếch mới “cây sần an-na”
(Dân trí) - Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngố Luông (Hòa Bình), các nhà khoa học vừa phát hiện một loài ếch cây mới có kích cỡ nhỏ, chiều dài đầu và thân khoảng 27 – 33 mm. Loài ếch này không có răng lá mía, không có riềm ra dọc cán tay và ống chân.
Theo đó, loài ếch cây mới được phát hiện có tên khoa học là Theloderma annae Nguyen, Pham, Nguyen, Ngo & Ziegler, 2016 (còn gọi là Ếch cây sần an-na), được các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phối hợp Vườn thú Cologne của Đức phát hiện tại tỉnh Hòa Bình và công bố.
Loài ếch cây mới này có kích cỡ nhỏ, chiều dài đầu và thân khoảng 27 – 33 mm, trên mặt lưng có màu xanh xám và vân sẫm mà. Ở họng và bụng có màu nâu với các đốm màu trắng.
Đầu ếch này dài hơn rộng, trong miệng không có răng lá mía, không có gai phía trên ổ mắt, không có gờ da phía khớp chày-cổ chân và không có riềm da dọc cánh tay và ống chân (Chi tiết về loài ếch mới được đăng trên tạp chí Zootaxa của New Zealand số tạp chí 4168, trang 171-186, tháng 9/2016).
Ếch cây sần an-na chủ yếu sinh sống ở vùng núi đá vôi thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, tỉnh Hòa Bình.
Cũng tại Hòa Bình, năm 2015 các nhà khoa học đã phát hiện loài Thạch sùng ngón ô-ta Cyrtodactylus otai và Thạch sùng ngón bô-b-rov Cyrtodactylus bobrovi. Đây là hai loài động vật chưa từng được biết đến cũng được phát hiện ở tỉnh Hòa Bình.
Quang Tân