Hố "tử thần" rộng hơn 30 mét xuất hiện giữa đường cái

Minh Khôi

(Dân trí) - Một hố "tử thần" đủ rộng để nuốt chửng cả một sân tennis đã bất ngờ xuất hiện trên một khu đất khai thác ở Chile.

Hố tử thần rộng hơn 30 mét xuất hiện giữa đường cái - 1

Hố sụt khổng lồ nằm chính giữa một con đường gần mỏ đồng ở sa mạc Atacama, Chile (Ảnh: Livescience).

Cơ quan Địa chất và Khai thác Quốc gia Chile vừa phát hiện thấy một hố sụt rộng 32 mét và sâu khoảng 200 mét gần một mỏ đồng ở sa mạc Atacama, nằm cách thủ đô Santiago khoảng 800 km về phía Bắc.

Trước sự việc hy hữu này, Lundin Mining, công ty sở hữu mỏ đồng, đã nhanh chóng cử nhân viên phối hợp cùng các nhà địa chất bố trí một vành đai an ninh với chu vi 100 mét xung quanh khu vực.

Trong một tuyên bố vào hôm 2/8, giới chức địa phương cho biết không tìm thấy bất kỳ vật chất nào bên dưới miệng hố, ngoại trừ rất nhiều nước. Họ cũng cho biết chưa phát hiện thấy bất kỳ thiệt hại nào về người và của.

Tuy nhiên theo ông Cristian Zuniga, thị trưởng của thành phố Tierra Amarilla nằm cách đó không xa, những hoạt động khai thác tràn lan ở sa mạc Alcaparrosa đã gây thiệt hại đáng kể cho cộng đồng trong suốt nhiều năm.

"Những chấn động từ các vụ nổ diễn ra hàng ngày tại khu mỏ đã phá hủy nhà cửa và đường xá của chúng tôi. Giờ đây, họ đang phá hủy cả mặt đất", ông Zuniga kịch liệt lên án.

Ông cũng yêu cầu những người cầm quyền làm rõ câu hỏi, liệu hố sụt là kết quả của hoạt động khai thác từ con người, hay do thứ gì khác? "Sẽ ra sao nếu như thảm họa này xảy ra ở giữa một nơi đông dân cư, trên đường phố, hay thậm chí là trong trường học", ông nói.

Hố tử thần rộng hơn 30 mét xuất hiện giữa đường cái - 2

Một hố sụt ở San Antonio, Texas (Mỹ) khiến nhiều ô tô gặp nạn (Ảnh: CNBC).

Theo Jerry Black, một nhà địa chất học tại tổ chức Geo Hazards có trụ sở tại bang Florida (Mỹ), thì các hố sụt có một phần cấu thành từ tự nhiên, nhưng cũng chịu tác động do sự phát triển của con người.

Một tài liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết các hố sụt thường xảy ra bên trên một hệ thống địa chất gồm đá vôi, đá cacbonat, đá muối hoặc các loại đá đặc biệt có thể hòa tan trong nước.

Theo đó, khi nước ngầm hoặc nước mưa dần ngấm trong lòng đất, sẽ hòa tan lượng đá này, hình thành nên các khoảng trống bên dưới bề mặt. Lâu ngày, phần không gian bên dưới mặt đất trở nên quá rộng, khiến phần đất bên trên bị sụp xuống, cuốn theo các vật thể hoặc công trình bên trên như đường xá, nhà cửa, ô tô...

Theo USGS, các hố tử thần này có độ sâu dao động từ 3 - 30 mét, tùy vào mức độ nghiêm trọng của quá trình sụt lún. Thế nhưng cũng có những hố đặc biệt lớn, rộng hàng chục mét, và sâu hàng trăm mét, điển hình như miệng hố mới được phát hiện ở Chile.

Ngoài ra, một điều đáng sợ khác về hiện tượng thiên nhiên này là không hề có tín hiệu cảnh báo từ trước. Đôi khi, có những trường hợp xảy ra trong đêm, khi đa số mọi người đang ngủ say,  hoặc đang lưu thông trên đường.

Một số nghiên cứu cho rằng các hố tử thần thường xảy ra theo mùa trong năm, cũng giống như "mùa lốc xoáy" và "mùa bão". Tuy nhiên, cũng có những lập luận cho rằng hiện tượng hố tử thần xảy ra như một hệ quả của cơ sở hạ tầng được quy hoạch kém, khiến chất lượng hệ thống địa chất có vấn đề sau nhiều năm đưa vào hoạt động.