1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Hỗ trợ khởi nghiệp: Đầu tư Nhà nước chỉ là “vốn mồi”

(Dân trí) - “Tại nhiều nước phát triển, phần lớn nguồn vốn cho khởi nghiệp đến từ doanh nghiệp, các quỹ đầu tư thiên thần. Nhà nước sẽ hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý và kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước được hiểu như “vốn mồi”, phần còn lại phải huy động được từ xã hội” – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết.

Hải Phòng được chọn là địa phương đầu tiên của Vùng đồng bằng sông Hồng để tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest Hải Phòng 2017) – sự kiện nằm trong khuôn khổ Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025. Đây là Techfest đầu tiên được tổ chức với quy mô vùng.

Trao đổi với Dân trí sau khi sự kiện diễn ra, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: Với vai trò “chủ trì” Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 844 - PV), Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các tỉnh/thành tổ chức Ngày hội khởi nghiệp cấp vùng.


Thứ trưởng Trần Văn Tùng: “Nhà nước sẽ hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý và kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước được hiểu như “vốn mồi”, phần còn lại phải huy động được từ xã hội”.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: “Nhà nước sẽ hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý và kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước được hiểu như “vốn mồi”, phần còn lại phải huy động được từ xã hội”.

Một trong những hoạt động chính của Techfest cấp vùng là Cuộc thi về khởi nghiệp, nhằm tạo ra một sân chơi hấp dẫn cho các startup đồng thời kết nối các startup với các nhà đâu tư. Đây cũng chính là mô hình để các tỉnh/thành trong vùng tổ chức cuộc thi ở quy mô của địa phương. Những nhóm khởi nghiệp có ý tưởng xuất sắc được lựa chọn sau mỗi cuộc thi cấp địa phương sẽ giành quyền tham gia cuộc thi cấp vùng, tiếp đến là quy mô cấp quốc gia (được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia - Techfest Viet Nam). Những doanh nghiệp khởi nghiệp hay nhóm khởi nghiệp được lựa chọn tại cuộc thi cấp quốc gia có thể sẽ có cơ hội tham gia sân chơi quốc tế.

Thưa Thứ trưởng, vậy việc tổ chức Techfest cấp vùng có phải là chúng ta muốn thúc đẩy sự liên hệ sinh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Đúng như vậy. Việc tổ chức Techfest quy mô vùng hay quốc gia đều nhằm mục đích thúc đẩy sự liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để triển khai các chương trình khởi nghiệp một cách chuyên nghiệp, tương tự các nước đã rất thành công về khởi nghiệp như Phần Lan, Israel, theo tôi, các địa phương nên cử người tham gia các khóa đào tạo trong nước và nước ngoài.

Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, với Văn phòng Đề án 844 để kịp thời trao đổi thông tin và được hướng dẫn trong quá trình triển khai. Ngoài ra, các Sở KH&CN cần tham mưu, tư vấn cho Thành ủy, UBND các tỉnh/thành về sự cần thiết đầu tư cho cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực để giúp các trường đại học trên địa bàn cùng tham gia hỗ trợ khởi nghiệp. Có như vậy, Hệ sinh thái khởi nghiệp mới có thể hình thành và phát triển đúng định hướng.

Hải Phòng được chọn để tổ chức Techfest năm 2017. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về phong trào khởi nghiệp tại Hải Phòng thời gian qua?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Thành phố Hải Phòng trong thời gian qua đã triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Nơi chúng ta đang đứng ở đây chính là Sàn giao dịch công nghệ - một trong những sàn giao dịch công nghệ hoạt động rất hiệu quả.

Đây cũng là nơi tổ chức Triển lãm về các ý tưởng khởi nghiệp, nơi diễn ra các Tọa đàm về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp hay Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc. Chuỗi hoạt động này là những bước chuẩn bị về cơ sở vật chất cho hoạt động xây dựng và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.


Hội thảo liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Vùng đồng bằng sông Hồng, một trong nhiều hoạt động của Techfest Hải Phòng.

Hội thảo liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Vùng đồng bằng sông Hồng, một trong nhiều hoạt động của Techfest Hải Phòng.

Tôi thực sự đánh giá cao nỗ lực của Sở KH&CN Hải Phòng, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN thực hiện Đề án 844. Một số nhóm muốn khởi nghiệp đã đến đây làm việc và nhận được hỗ trợ từ Sàn giao dịch, được tham gia triển lãm, tham gia hội thảo, tọa đàm, có cơ hội học tập và chia sẻ.

Tôi hy vọng, Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng đồng bằng sông Hồng sẽ có điều kiện để phát triển và phát triển mạnh theo đúng hướng. Tôi cũng hy vọng năm 2018, sự kiện sẽ được tổ chức với quy mô lớn hơn, thu hút được nhiều người đến hơn.

Thứ trưởng có gợi mở gì cho địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công?

Thứ trưởng Trần Văn Tùng: Rất nhiều người có ý tưởng sáng tạo. Ban đầu người khởi nghiệp chỉ có ý tưởng sáng tạo và mong muốn biến ý tưởng đó thành hiện thực. Nhưng muốn hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng của mình thì người khởi nghiệp phải được cung cấp các kiến thức có liên quan.

Nguồn kiến thức đó xuất phát từ những người đã ít nhiều thành công, từ những cá nhân hay doanh nghiệp đã đi trước với bề dày kinh nghiệm và thành tích trong quá trình khởi nghiệp. Chính những người đã thành công này sẽ quay trở lại đào tạo, bồi dưỡng chia sẻ kinh nghiệm với những người mới khởi nghiệp, giúp họ hạn chế thất bại và giảm bớt khó khăn ban đầu. Nhưng ngoài ra, họ cần được hỗ trợ về nguồn lực ban đầu.

Tại nhiều nước phát triển, phần lớn nguồn vốn cho khởi nghiệp đến từ doanh nghiệp, các quỹ đầu tư thiên thần. Nhà nước sẽ hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý và kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước được hiểu như “vốn mồi”, phần còn lại phải huy động được từ xã hội. Và đó mới chính là con đường đi của các startup. Nguốn “vốn mồi” của Nhà nước khiến các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm và những người có nguồn lực cảm thấy yên tâm hơn, từ đó ủng hộ và đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo.

Về chính sách, Quốc hội đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có đề cập đến việc thành lập Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Quỹ đó được hình thành khi Nhà nước bỏ vốn (rất nhỏ) đầu tư ban đầu, từ đó Quỹ sẽ huy động thêm nguồn lực từ xã hội và quay lại hỗ trợ cho các Trung tâm khởi nghiệp. Có như vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp mới đi đúng quy luật phát triển. Hiện nay, Bộ KH&CN đang tích cực triển khai Đề án 844 và cũng đang tập trung hỗ trợ cho các Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là nơi hình thành và ươm tạo những ý tưởng sáng tạo của startup Việt.

Đối với các địa phương, một trong những giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp là xây dựng và vận hành Cổng thông tin về khởi nghiệp. Đây sẽ là nơi kết nối thông tin của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở ươm tạo và cộng đồng khởi nghiệp. Kết quả của những người đã khởi nghiệp thành công phải được cập nhật lên Cổng thông tin để mọi người dễ dàng truy cập và tìm hiểu. Cổng thông tin cũng là địa chỉ cung cấp cơ sở dữ liệu về sáng chế, về các kết quả nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước, về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền cũng rất quan trọng để tạo lập “văn hóa khởi nghiệp”. Tỷ lệ thành công ở khởi nghiệp tuy thấp nhưng chúng ta phải biết “chấp nhận thất bại”, qua thất bại mới đến thành công. Tư duy đó cần đưa vào lớp trẻ, vào những người mới khởi nghiệp. Xã hội cũng cần hiểu rằng, những người đó tuy thất bại nhưng thực sự họ đang học tập, học tập từ thất bại của mình để rút kinh nghiệm cho những lần sau.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong khuôn khổ Techfest Hải Phòng 2017 đã diễn ra một loạt các hoạt động dành cho cộng đồng khởi nghiệp địa phương, đáng chú ý là Triển lãm về khởi nghiệp sáng tạo, Hội thảo liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Vùng đồng bằng sông Hồng, các Tọa đàm về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đặc biệt là Cuộc thi về khởi nghiệp.

Triển lãm thu hút sự tham gia của gần 30 dự án khởi nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp đến từ Trường Đại học Hải Phòng và Đại học Hàng hải Việt Nam; 10 doanh nghiệp, cá nhân và nhóm cá nhân; 7 doanh nghiệp từ các địa phương khác, tập trung vào các lĩnh vực chế tạo máy, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hóa mỹ phẩm; công nghệ thông tin; sản xuất đồ gia dụng… Nổi bật trong số đó là những sản phẩm như: Xe điện gấp đa năng; Sản xuất củi trấu; Ươm giống và trồng lan hồ điệp; Phần mềm quản lý bán hàng B-POS Pro; Hệ thống chống trộm nhiều cấp trong ngôi nhà thông minh; Trạm sạc ắc - quy thông minh; Hệ thống mô phỏng tàu lái…

Nguyễn Hùng (Thực hiện)