Hổ Tasmania đã tuyệt chủng được phục hồi RNA, mở ra cơ hội hồi sinh
(Dân trí) - Hổ Tasmania vừa trở thành loài động vật tuyệt chủng đầu tiên được chiết xuất thành công RNA, từ đó mở ra cơ hội để hồi sinh.
Theo một quy trình được sửa đổi, các nhà khoa học tới từ Thụy Điển đã trích xuất thành công hàng triệu sợi RNA từ da và cơ của một con hổ Tasmania (tên khoa học: Thylacinus cynocephalus) 132 tuổi. Loài thú ăn thịt có túi này từng bị săn bắt đến tuyệt chủng trên đảo Tasmania ở Úc vào những năm 1930.
Việc phục hồi RNA - vật liệu di truyền giúp dịch thông tin được mã hóa trong DNA thành protein - từ các loài động vật đã tuyệt chủng là một khám phá quan trọng. Thành công này có thể mở ra một kho thông tin về hoạt động của gen, vốn bị cho là đã bị thất lạc từ lâu, và thậm chí giúp hồi sinh các giống loài sau khi chúng biến mất.
Theo Emilio Mármol-Sánchez, nhà sinh học của dự án, trong khi việc đọc trình tự DNA cho chúng ta biết loài có gen gì, thì trình tự RNA sẽ tiết lộ gen nào thực sự nổi bật và được sử dụng để tạo ra protein bên trong tế bào.
Tuy nhiên, RNA mỏng manh hơn nhiều và cũng phân hủy nhanh hơn so với DNA. Do vậy, việc "cứu vớt" DNA từ các giống loài cổ xưa luôn được xem là một thách thức.
Để làm được điều này trên loài hổ Tasmania, nhóm nghiên cứu đã lấy 6 mẫu cơ và da từ mẫu vật cất giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Stockholm, Thụy Điển.
Trong các mẫu cơ, họ tìm thấy RNA mã hóa các protein đặc trưng của mô bao gồm Titin và Actin - thứ cho phép các sợi cơ co giãn. Trong da, RNA mã hóa một loại protein cấu trúc gọi là keratin cũng được tìm thấy.
Khám phá đã làm dấy lên hy vọng của các tổ chức khoa học quốc tế trong nỗ lực đang diễn ra nhằm hồi sinh giống loài Thylacinus đã tuyệt chủng.
Dù có tên gọi là hổ, song hổ Tasmania lại sở hữu ngoại hình giống với loài chó, và có kích thước tựa như chó sói đồng cỏ Bắc Mỹ. Loài động vật này biến mất cách đây khoảng 2.000 năm ở hầu khắp mọi nơi trên Trái Đất, ngoại trừ đảo Tasmania của Australia.
Là động vật ăn thịt đầu bảng có túi duy nhất sống ở thời hiện đại, hổ Tasmania đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái mà nó tồn tại. Tuy nhiên, những người định cư Châu Âu trên đảo vào những năm 1800 cho rằng hổ Tasmania gây hại cho gia súc, và bắt đầu săn chúng đến mức tuyệt chủng.
Con hổ Tasmania cuối cùng sống trong điều kiện nuôi nhốt, tên là Benjamin, chết năm 1936 tại vườn thú Beaumaris ở Hobart, Tasmania. Sự việc diễn ra chỉ ít lâu sau khi hổ Tasmania được đưa vào tình trạng bảo vệ, nhưng động thái đó đã quá muộn để chúng ta cứu vớt loài động vật này.