"Hươu xác sống" có lông mọc trong… mắt ở Mỹ

Trang Phạm

(Dân trí) - Theo Hiệp hội Hươu Quốc gia, một con hươu năm tuổi đã được tìm thấy gần đây ở khu vực ngoại ô Tennessee với lông che cả hai nhãn cầu của nó khiến các nhà khoa học vô cùng ngạc nhiên.

Tình trạng kì lạ này được cho là một ví dụ hiếm gặp của bệnh viêm đa giác mạc.

Người dân lần đầu tiên nhận thấy con hươu khi nó xuất hiện ở Farragut, ngoại ô Knoxville, vào tháng 8 năm 2020. Ngay lập tức họ đã thông báo cho chính quyền động vật hoang dã địa phương vì con hươu có dấu hiệu đang chảy máu, mất phương hướng và dường như không sợ con người.

Các nhân viên kiểm soát động vật nghi ngờ rằng nó có thể đã bị nhiễm bệnh suy mòn mãn tính (CWD), được báo chí Mỹ gọi là bệnh "hươu zombie" (hươu xác sống) và do đó họ đã quyết định giết con hươu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh không đáng có.

Sterling Daniels thuộc Cơ quan Tài nguyên Sinh vật hoang dã Tennessee (TWRA) sau đó đã gửi đầu của con vật đi xét nghiệm tại Cơ quan Nghiên cứu Dịch bệnh động vật hoang dã Hợp tác Đông Nam (SCWDS) tại Đại học Georgia khi nhận thấy cả hai mắt của con hươu đều được bao phủ bởi lông.

Sau khi thực hiện các nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định con hươu không bị CWD mà thay vào đó là mắc bệnh xuất huyết biểu bì (EHD), có thể gây sốt và mất phương hướng. Điều này sẽ giải thích hành vi kỳ lạ của con vật, nhưng nó lại không giải thích được vì sao con hươu sở hữu nhãn cầu có lông.

Trong một báo cáo chính thức, đại diện của SCWDS, tiến sĩ Nicole Nemeth và Michelle Willis đã nói rằng con hươu có các "đĩa da" thay cho giác mạc, là phần trong suốt của mắt bao phủ mống mắt và đồng tử.

"Các mô đệm giác mạc, như trong trường hợp của loài hươu này, thường chứa các yếu tố của da bình thường, bao gồm các nang lông, tuyến mồ hôi, collagen và chất béo. Các khối u nhìn chung là lành tính (không xâm lấn) và là bẩm sinh, có thể là do khiếm khuyết phát triển của phôi thai", các nhà nghiên cứu cho hay.

Thông tin trên tạp chí chính thức của Hiệp hội Hươu Quốc gia, Nemeth nhận xét rằng: "Chúng tôi cho rằng căn bệnh là bẩm sinh vì vậy có thể phỏng đoán rằng nó tồn tại từ lâu với con hươu".

Điều này có nghĩa là con hươu có thể đã phát triển tình trạng kỳ lạ trong bụng mẹ, nơi mô giác mạc của nó không hình thành đúng cách và thay vào đó bị biệt hóa thành mô da. Bên cạnh việc được bao phủ bởi lớp da đầy lông, đôi mắt của loài khỉ này vẫn bình thường về mặt giải phẫu.